Chiều 20/6, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ chủ trì họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên, biên tập viên nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
Cùng dự, có Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long; Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh.
Lương công chức, viên chức được tăng thêm 30,6%
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sáng 19/6, Bộ Chính trị đã quyết định chủ trương về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ báo cáo Quốc hội một số giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo "lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước".
Vì vậy, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 với 3 nội dung.
Một là, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).
Theo tính toán của Bộ Tài chính khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.
Hai là, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.
Đối với một số bộ, ngành đang đề xuất có chế độ phụ cấp theo nghề, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ba là, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp.
Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ thì từ ngày 1/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc điều chỉnh mức lương cơ sở lên 30% là mức tăng cao nhất từ khi thành lập nước đến nay; góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách gắn với lương cơ sở; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; đóng góp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, việc giữ nguyên phụ cấp như hiện nay cũng là để đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức, người lao động; đặc biệt là với giáo viên và một số ít ngành đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề và một số phụ cấp đặc thù khác thì vẫn tiếp tục được hưởng như quy định hiện hành.
Đây là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương để góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, với phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả”, từ đầu năm đến nay, Bộ Nội vụ luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao theo hướng gắn trách nhiệm của người đứng đầu và thể chế hóa đến từng cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ.
Bộ đã làm tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật ngành Nội vụ và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Đáng chú ý, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ đã chủ động phối hợp các bộ, ngành tiến hành khảo sát, xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, phấn đấu đạt mục tiêu đến tháng 9/2024 sắp xếp 140 đơn vị; đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 2/4/2024 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Nội vụ cũng chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, với 54/54 tỉnh, thành phố đã hoàn thiện phương án tổng thể (cấp huyện có 49 đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị và cấp xã có 1.247 đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị). Trong đó, đến thời điểm này có 18/54 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã gửi hồ sơ để thẩm định.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, trong quá trình triển khai sắp xếp đã phát sinh những khó khăn vướng mắc về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành và kinh phí thực hiện. Bộ đã kịp thời phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo thẩm quyền Nghị quyết để các địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện bảo đảm đúng tiến độ đề ra (trước 30/9/2024).