Từ 1/7 cả nước thực hiện cải cách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ. Việc này tác động không nhỏ đến mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, kéo theo đó là thay đổi lương hưu.
Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ, khi cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, nhà nước xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Mức hưởng lương hưu lâu nay được tính theo hệ số và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, việc bỏ lương cơ sở, sử dụng cách tính lương mới sẽ tác động đến lương hưu.
Điểm dễ thấy nhất, mức lương hưu tối thiểu sẽ thay đổi hẳn khi không còn lương cơ sở. Bởi, theo khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu thấp nhất của người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ bằng mức lương cơ sở.
Cùng với quá trình cải cách tiền lương khu vực công, Việt Nam cũng thực hiện sửa luật Bảo hiểm xã hội, để có những điều chỉnh tương ứng, phù hợp. Tuy nhiên, sớm nhất thì giữa năm nay, dự luật mới được thông qua và dự kiến đến 1/7/2025 mới có hiệu lực. Trong khi đó, thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đã được ấn định từ 1/7 năm nay.
Để tránh giai đoạn "vênh" chính sách từ thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến trước khi luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, cơ quan liên quan đang nghiên cứu phương án để thực hiện những quy định liên quan đến mức lương cơ sở.
Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cần thể hiện các quy định có liên quan đến lương cơ sở theo hướng, khi luật có hiệu lực, mức hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội không thấp hơn mức hưởng gần nhất.
Việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp (nếu có) thực hiện theo quyết định của Chính phủ. Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung điều khoản chuyển tiếp giao quyền cho Chính phủ điều hành việc này cho đến khi luật mới có hiệu lực thi hành.
Người dân nhận lương hưu hàng tháng (Ảnh: Hoa Lê).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng.
Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024...
Song, việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Với nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.
Thứ ba, với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.
Theo https://dantri.com.vn/an-sinh/khi-bai-bo-luong-co-so-tu-17-luong-huu-thay-doi-ra-sao-20240321195643357.htm