Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tăng nhiều mức tiền hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hạn chế chuyển đổi.
Thông tin được nêu trong dự thảo quy định chi tiết về đất trồng lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành.
Tờ trình dự thảo nêu, hiện nay người trồng lúa được Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục "giữ nghề", hạn chế chuyển đổi. Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh rằng mức hỗ trợ đất trồng lúa thấp, thủ tục hỗ trợ phức tạp.
Hơn nữa, điều 182 Luật Đất đai 2024 lần đầu cho phép người dân được dùng một phần diện tích đất trồng lúa để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều địa phương đã làm theo hướng này song không có quy định kiểm soát. Bởi thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy cần quy định chi tiết trong nghị định.
Theo dự thảo nghị định, căn cứ diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương. Việc hỗ trợ thông qua định mức phân bổ ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định.
Một cánh đồng lúa ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Dự thảo đề xuất nâng mức hỗ trợ hiện nay từ 1 lên 2 triệu đồng một ha mỗi năm với đất chuyên trồng lúa; từ 500.000 đồng lên một triệu đồng với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch.
Ngoài hai mức hỗ trợ trên, Bộ đề xuất hỗ trợ thêm 3 triệu đồng một ha mỗi năm với vùng quy hoạch trồng lúa cần bảo vệ hoặc cần hạn chế chuyển đổi để áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Đây là điểm mới với quy định hiện hành.
Diện tích đất trồng lúa được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các địa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách.
Liên quan khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, dự thảo đề xuất hỗ trợ 15 triệu đồng một ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng; hỗ trợ 10 triệu đồng một ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác. Mức tiền hỗ trợ này tăng gấp đôi so với quy định hiện hành.
Về nguồn và cơ chế hỗ trợ, với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương được hỗ trợ 100% kinh phí. Với địa phương điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% được hỗ trợ 50% kinh phí. Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.
Dự thảo quy định UBND cấp tỉnh quản lý, phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và hướng dẫn thực hiện hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất. Bộ Tài chính được đề nghị cân đối nguồn ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ các địa phương sản xuất lúa.
Diện tích đất trồng lúa hiện nay của cả nước là 3,9 triệu ha. Cuối năm 2021, Quốc hội ra Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia năm 2021-2025, trong đó có nội dung quan trọng là giữ hơn 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030.