Bộ Công an đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được truy đuổi người vi phạm, nếu bị chống đối có thể sử dụng vũ khí để ngăn chặn.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) vừa trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 có nhiều điểm mới.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung thêm một số quy định nhằm ngăn chặn hành vi người tham gia giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ.
Cho CSGT truy đuổi lái xe vi phạm?
Theo quy định hiện hành, chưa có quy định cụ thể nào cho phép lực lượng CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông mà chỉ có quy định cho phép lực lượng này dừng xe của người điều khiển vi phạm một cách an toàn.
Thêm vào đó, lực lượng CSGT có thể áp dụng các biện pháp khác để xử lý người vi phạm bỏ chạy như: Thông báo để các trạm, tổ tuần tra đang chốt chặn phía trước yêu cầu dừng phương tiện vi phạm; ghi lại biển số hoặc thông qua camera giám sát để phạt nguội…
Việc truy đuổi người vi phạm chỉ diễn ra trong trường hợp truy đuổi tội phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông khác.
Tuy nhiên, dự thảo Luật TTATGTĐB Bộ Công an đưa vào quy định: Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
Như vậy, nếu Quốc hội thông qua dự luật, lực lượng CSGT có quyền truy đuổi người vi phạm luật giao thông.
Thêm vào đó, dự luật cũng quy định: trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.
Cần xem xét cẩn trọng
Theo một chuyên gia giao thông, đây là vấn đề cần cân nhắc rất thận trọng, bởi có nhiều trường hợp truy đuổi dẫn đến tai nạn chết người, thậm chí người thực thi công vụ cũng bị tai nạn. Nếu xét đây là vấn đề “cần thiết”, trước mắt chúng ta nên quy định rõ các trường hợp nào thì phải truy đuổi.
“Theo quan điểm cá nhân tôi không đưa quy định trên vào luật, vì hiện nay chúng ta có đầy đủ hệ thống camera có thể xử phạt nguội các hành vi vi phạm mà bỏ chạy. Còn các vi phạm khác chẳng hạn như gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy, hay sử dụng ma tuý... đã được quy định ở Bộ Luật hình sự”- vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Sơn, ngụ ở quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, với công nghệ hiện nay mà quy định truy đuổi người không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT là chưa phù hợp.
Thay vào đó, chúng ta nên tăng cường xử phạt nguội đối với các trường hợp này để răn đe, đồng thời áp dụng công nghệ trong lực lượng công an nhằm báo cho các tổ công tác đang tuần tra trên đường chặn người vi phạm lại để xử phạt.
Nếu để cảnh sát truy đuổi anh Sơn cho rằng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro: “Khi truy đuổi xe công an sẽ chạy rất nhanh và hú còi lớn gây hoảng loạn cho những người tham gia giao thông. Tôi đã chứng kiến không ít người giật mình bởi còi hú mà té xe giữa đường. Nên tôi mong chúng ta cần đưa ra quy định phù hợp với thực tiễn để bảo vệ người tham gia giao thông”- anh Sơn nêu quan điểm.
Điều 73 dự thảo Luật TTATGTĐB quy định:
1. Khi người tham giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, lực lượng thi hành nhiệm vụ thực hiện các biện pháp sau đây:
A. Giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát;
B. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp người vi phạm cản trở, không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật;
C. Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.
2. Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
|