Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chủ trì hội thảo. Hội thảo được tổ chức cả hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. Có khoảng 15 tham luận, tập trung vào các vấn đề, nhóm vấn đề liên quan đến chủ đề chính của hội thảo nhằm nhận thức vị trí vai trò của hoạt động xuất bản, trao đổi sâu về một số vấn đề lớn, làm tiền đề cho phát triển ngành, như: Mô hình nhà xuất bản, chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản trong tình hình mới.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khái quát kết quả nổi bật của ngành xuất bản 20 năm qua; những tồn tại hạn chế, nguyên nhân hạn chế. Trong 20 năm qua, nhịp độ tăng trưởng khoảng 6-8%, tương đối ổn định. Năm 2023 đạt khoảng 5,3 bản/người/năm. Lĩnh vực in cũng phát triển mạnh, năm 2023 cả ngành có trên 2/100 cơ sở in với doanh thu cao. Lĩnh vực phát hành nở rộ, có hơn 2.000 đơn vị, sách điện tử phát triển rầm rộ.
Những tồn tại chính được nhận định, như: Tổng quy mô cả ba lĩnh vực còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng năm 2023. Lĩnh vực xuất bản doanh thu vượt 100 tỷ đồng/năm còn ít. Lĩnh vực in quy mô còn nhỏ lẻ, năng lực công nghệ còn hạn chế, thiết bị lạc hậu. Hệ thống phát hành phát triển không đều, nhiều yếu tố bất cập; việc đưa sách về các địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Nhiều vấn đề bất cập mới đã nảy sinh đòi hỏi phải sớm có biện pháp khắc phục: Quy định về chính sách; quy định về mô hình; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các quy định về xuất bản điện tử... Ba nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế, gồm: Việc thể chế hóa các nội dung, định hướng, chỉ đạo của Chỉ thị 42 còn chậm, thiếu quan tâm bố trí nguồn lực; nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chưa đầy đủ; hạn chế, yếu kém của một bộ phận lãnh đạo.
Nhà Xuất bản Trẻ đóng góp tham luận về một số đề xuất cải cách thủ tục hành chính phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đã đưa ra các giải pháp chính: Đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về xuất bản, in và phát hành; nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu, sách giả; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Nhà Xuất bản Thế giới đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách cần gấp rút xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể ngành xuất bản lâu dài, bền vững, vừa bảo đảm tính chất đặc thù của hoạt động xuất bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa thích ứng với quy luật phát triển của khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các nhà xuất bản với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng. Đó là cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở, về miễn, giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng, các dự án đặt hàng lâu dài, có chiều sâu…
Các cơ quan hữu quan cần gấp rút xây dựng một chiến lược, một lộ trình áp dụng thế mạnh của công cuộc chuyển đổi số vào hoạt động xuất bản ở cả ba công đoạn: xuất bản, in, phát hành. Đặc biệt là khả năng kết nối trong việc khai thác nguồn dữ liệu, tìm hiểu, khai thác nhu cầu thị trường, thị hiếu người đọc.
Công ty Cổ phần Phát hành Sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa), cho biết, năm 2023 của Fahasa đạt hơn 3.900 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến đạt doanh thu 4000 tỷ đồng, nhân sự là 2.100 người. Tuy nhiên, nhìn nhận về những hạn chế, khuyết điểm, Fahasa cho rằng, hiện chưa có nhiều giải pháp cạnh tranh mạnh mẽ để phối hợp với các đơn vị xuất bản góp phần giảm vấn nạn sách giả sách kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là trên các nền tảng kinh doanh online. Công tác phát hành sách trực tiếp vào các thư viện ở các trường học, thư viện ở các tỉnh, các cơ quan ban ngành còn nhiều hạn chế.
Các nguyên nhân được xác định, gồm: Tình trạng sách giả ngày càng nhiều; chưa đầu tư đội ngũ nhân sự; chính sách bán hàng chưa linh hoạt. Thời gian tới, Fahasa và nhiều đơn vị xác định tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển hệ thống nhà sách chuyên nghiệp, hiện đại nhằm góp phần đem những xuất bản phẩm chất lượng đến phục vụ người dân trên khắp các mọi miền đất nước, bảo đảm nguồn sách phục vụ cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu khi có nhu cầu học hành, tham khảo…. qua đó góp phần nâng cao văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác uy tín ở nước ngoài, mở thêm các nhà sách, gian hàng sách Tiếng Việt tại các nước để phục vụ bạn đọc là các du học sinh, Việt kiều, người nước ngoài yêu thích văn hóa Việt Nam, góp phần mở rộng thị trường, giới thiệu và phát hành sách của các nhà xuất bản trong nước ra nước ngoài.
Công ty TNHH một thành viên In Tiến Bộ đề xuất một giải pháp và kiến nghị về cơ chế chính sách, trong đó nhấn mạnh giải pháp ưu tiên ứng dụng công nghệ số. Đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng: Đề nghị sớm hoàn thiện việc rà soát sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động xuất bản, in, phát hành hiện nay tại Việt Nam và xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xem xét bố trí quỹ đất để thành lập khu công nghiệp dành riêng cho hoạt động in. Đối với các cơ sở đào tạo và Hiệp hội In Việt Nam cần đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực hằng năm để sát với nhu cầu thực tế.
Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành; kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc chậm trễ thực hiện gây cản trở đến sự phát triển của hoạt động xuất bản, in và phát hành. Mặt khác các chính sách cũng cần linh hoạt thay đổi từng thời điểm phù hợp với xu thế phát triển của mỗi lĩnh vực cụ thể.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, Luật Đầu tư thông thoáng, chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp in phát triển nhanh chóng, thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, một ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xuất bản, báo chí và phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Những mặt hạn chế, yếu kém của các doanh nghiệp in trong nước cần có các giải pháp khắc phục để sự phát triển của ngành công nghiệp in được hài hòa, trong đó cần sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp in và sự cải cách, sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp in phát triển vững chắc và hài hòa hơn.