Tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Tăng trưởng tín dụng phục hồi
Chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.
Theo báo cáo của NHNN, 7 tháng năm nay, các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng được triển khai đồng bộ. Từ đó, sản xuất kinh doanh phục hồi, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so với cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối tháng 7, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm ngoái.
Tiền gửi trong ngân hàng đạt khoảng 15 triệu tỷ đồng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng, hoạt động ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ tốt sẽ tạo thuận lợi, nền tảng cho phát triển đất nước nói chung, các ngành kinh tế nói riêng.
Theo Thủ tướng, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn khi áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ tăng, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới…
Cùng với đó, tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, số tiền này đã được hệ thống ngân hàng đưa vào nền kinh tế thông qua cấp tín dụng, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiếp tục sử dụng nguồn lực này ngày càng hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh đó, cần hết sức bình tĩnh, chắc chắn, giữ vững bản lĩnh, "thắng không kiêu, bại không nản".
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu điều hành không giật cục, phối hợp đồng bộ giữa các chính sách; đưa ra thông điệp, chính sách phải rõ ràng, dứt khoát, phù hợp thực tiễn và đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện...
Các giải pháp tập trung là kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Trong đó, với chính sách tiền tệ cần điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách khác. Điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới.
Điều hành tỷ giá linh hoạt bằng các công cụ khác nhau. Tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng.
Cùng với đó, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.