Ngày 1.7, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, công an toàn quốc triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Từ 7h sáng 1.7, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an TP Hà Nội và công an 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi và người từ 6 tuổi trở lên.
Có mặt từ sớm tại trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để cùng con trai thực hiện các thủ tục làm thẻ căn cước, chị Nguyễn Thị Uyên (trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa) hào hứng chia sẻ, tới đây khi con trai nhỏ có thẻ căn cước sẽ rất thuận lợi cho cháu và gia đình khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện.
Cũng giống như chị Uyên, chị Bạch Thị Yến (trú tại quận Đống Đa) đưa hai con dưới 14 tuổi tới làm thủ tục cấp căn cước mới. Chị Yến cho biết, các thủ tục được thực hiện rất nhanh chóng, thuận lợi. Phụ huynh chỉ cần cập nhật thông tin online trên VNeID, sau đó đưa trẻ tới thực hiện thu nhận vân tay, chụp ảnh gương mặt và thu nhận mống mắt. Cả quá trình chỉ mất khoảng 10-15 phút nên rất tiết kiệm thời gian cho cả gia đình.
Tại trụ sở Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm, người dân đã có mặt từ sớm để thực hiện các thủ tục.
Thiếu tá Mạch Việt Dũng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm - cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân. Việc cấp căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện hoàn toàn trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội - cho hay: Thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
* Cũng trong sáng 1.7, Công an tỉnh Hà Nam tổ chức lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023, tổ chức cấp Căn cước, Giấy chứng nhận Căn cước. Đại tá Tô Anh Dũng - Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam - dự và chỉ đạo lễ phát động.
Theo đó, tại trụ sở Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an TP Phủ Lý, người dân đã có mặt từ sớm để thực hiện các thủ tục, trong đó có nhiều phụ huynh đưa con dưới 14 tuổi tới làm thủ tục cấp căn cước mới.
Tại đây, phụ huynh được hướng dẫn cập nhật thông tin online trên VNeID, sau đó đưa trẻ tới thực hiện thu nhận vân tay, chụp ảnh gương mặt và thu nhận mống mắt. Cả quá trình chỉ mất khoảng 10-15 phút.
Đại diện Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an TP Phủ Lý cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân, đặc biệt với trẻ dưới 14 tuổi.
* Ngày 1.7, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang và Công an 15 huyện, thành phố cũng đã triển khai cấp Thẻ Căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi, từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Sáng 1.7, Đại tá Nguyễn Nhật Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - chủ trì buổi Lễ phát động thu nhận hồ sơ Căn cước, giấy chứng nhận Căn cước.
Đại tá Nguyễn Nhật Trường trực tiếp đến kiểm tra công tác thu nhận hồ sơ cấp căn cước tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an huyện Châu Thành và An Biên.
Ghi nhận tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Kiên Giang, ngay từ sáng sớm, đã có khá đông người xếp hàng đợi làm thủ tục đề nghị cấp Căn cước, trong đó có nhiều công dân dưới 14 tuổi - là đối tượng mới được quy định tại luật Căn cước.
Tại Công an huyện Châu Thành, ông Trần Văn Huê (75 tuổi, ngụ xã Giục Tượng) chia sẻ, ông rất vui mừng vì mình và người con trai vừa được cán bộ Công an thu nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận căn cước. Ông Huê cho biết: “Hơn 30 năm nay, tôi và con không được cấp giấy tờ tùy thân do chưa xác định được quốc tịch. Bây giờ theo Luật Căn cước mới, được cấp giấy tùy thân, bản thân tôi và con đã yên tâm hơn trong việc làm ăn sinh sống. Tôi mừng lắm, cảm ơn Nhà nước và Công an rất nhiều”.
Ngoài ra, tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, Công an TP Phú Quốc cũng tổ chức cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.
Theo Công an tỉnh, Luật Căn cước năm 2023 có nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân 2014, trong đó, chuyển từ cấp Căn cước công dân sang Thẻ Căn cước; cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.
Kể từ ngày 1.7, khi người dân đi làm thẻ căn cước, Công an sẽ lấy dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay và ảnh khuôn mặt (từ đủ 6 tuổi trở lên).
Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1.7 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.
Nếu công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân trước ngày 1.7 vẫn muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước để đăng ký. Về quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới.
|