'Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê là tự sát'

Lãi vay cao, giá thuê phải thấp, pháp luật siết phần trăm lợi nhuận là những khó khăn khi chủ đầu tư làm nhà ở xã hội cho thuê, theo đại diện doanh nghiệp TP HCM.

"Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê là tự sát. Chỉ có nhà nước hoặc tổ chức công đoàn có sẵn nguồn tài chính và được giao đất sạch mới làm nổi", ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, doanh nghiệp chuyên đầu tư các dự án nhà ở xã hội ở TP HCM, nói tại tọa đàm Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê do báo Tuổi Trẻ tổ chức, chiều 18/5.

Dẫn ví dụ từ các dự án nhà ở xã hội của Lê Thành, ông Nghĩa cho biết "tìm đỏ mắt" vẫn không kiếm được ngân hàng cho cho vay lãi suất làm dự án dưới 10% mỗi năm. Các dự án của doanh nghiệp đang vay 13%. Nếu vốn mỗi căn hộ 500 triệu đồng, dự án 1.000 căn thì tổng chi phí bỏ ra là 500 tỷ đồng.

Theo ông Nghĩa, nhà ở xã hội vốn dành cho người thu nhập thấp, giá thuê phải tương đương hoặc thấp hơn thị trường mới có khách. Đặt tình huống giá thuê tốt nhất doanh nghiệp có thể đưa ra là 3,5 triệu mỗi tháng và lấp đầy 100%, doanh thu mỗi năm của dự án 1.000 căn là 35-40 tỷ đồng, trong khi lãi suất phải trả 50 tỷ, tức doanh nghiệp âm 10 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm, chiều 18/5. Ảnh: An Phương

Ông Lê Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm, chiều 18/5. Ảnh: An Phương

"Làm một dự án rồi chết luôn", ông Nghĩa nói. Hiện, để trụ được với nhà ở xã hội, Lê Thành đang "lai căng" giữa bán và cho thuê. Doanh nghiệp vay toàn bộ vốn làm dự án, sau đó bán lại cho người dân theo hình thức sở hữu có thời hạn 50 năm. Theo cách thức này, đất vẫn của doanh nghiệp nên tiền đất không hạch toán vào giá nhà giúp giá căn hộ giảm xuống.

Ông Nghĩa ví dụ, một căn hộ giá 700 triệu đồng, người mua sẽ trả cho doanh nghiệp mỗi tháng 7 triệu đồng, số tiền này sẽ không tăng dù lãi suất ngân hàng biến động. Người mua trả tối đa 10 năm sẽ hoàn tất nghĩa vụ và sau đó ở miễn phí những năm còn lại. "Nếu đơn thuần kinh doanh theo kiểu cho thuê sẽ chết, còn làm nhà bán cũng không ai mua nổi vì giá cao vượt thu nhập của người mua", ông nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Lê Thành cũng cho rằng sắp tới phân khúc nhà ở xã hội cho thuê sẽ càng khó. Cụ thể, trước đây, quy định cho phép lợi nhuận dự án nhà ở xã hội cho thuê không quá 15%, trong khi nhà bán 10% nhưng luật mới thì đều 10%. "Lợi nhuận càng giảm thì nhà cho thuê sẽ càng khó và ít", ông Nghĩa nói.

Tại hội nghị, ông Trịnh Quang Minh, Phó Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết luật nhà ở sửa đổi cho phép Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.

Cuộc sống ở khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Cuộc sống ở khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Hiện, đơn vị này đã thí điểm dự án 244 căn ở Hà Nam với giá thuê bình quân 1,7 triệu đồng mỗi tháng. Công đoàn không thu lợi khi làm nhà ở xã hội. Khi dự án đi vào hoạt động, công nhân đến nộp hồ sơ đăng ký rất nhiều nhưng quỹ nhà hạn chế, không đáp ứng hết được.

Công đoàn Việt Nam đang làm việc với các tỉnh để được giao đất sạch nhưng cũng gặp nhiều trở ngại như đất được giao không phải đất ở phải chờ điều chỉnh quy hoạch. Có địa phương vị trí quá xa, xấu, không kết nối hạ tầng, xây xong "mời công nhân cũng không chịu đến". Tại TP HCM, đơn vị này cũng đã đề xuất nhưng gần 7 năm chưa có.

Trong khi đó, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho biết công đoàn TP HCM ủng hộ phương án xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê vì quản lý dễ dàng, giải quyết được chỗ ở cho nhiều người và phù hợp thu nhập của công nhân. Đặc biệt, điều này sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh với nhà trọ, thúc đẩy các hộ gia đình cải thiện chất lượng phòng ở.

So sánh số liệu lao động và số căn nhà ở xã hội mỗi năm tung ra thị trường, ông Trung cho rằng "mua được một căn nhà ở TP HCM không hề dễ". Cụ thể, mỗi năm thành phố cần khoảng 300.000 lao động đáp ứng các vị trí việc làm mới. Hiện, số lượng lao động đang làm việc tính chung là 4,8 triệu người, riêng đoàn viên thuộc tổ chức công đoàn là 1,4 triệu người.

Trong khi đó, mục tiêu 2021-2025 của cả thành phố chỉ 35.000 căn. Do đó, giải pháp nhà cho thuê phù hợp đặc điểm lao động hiện nay. "Công đoàn có nguồn lực nhưng cần cơ chế để cùng tạo ra chỗ ở cho công nhân giống như sinh viên đến thành phố học có ký túc xá", ông Trung nói.

Ông Trần Đoàn Trung tại tọa đàm, chiều 18/5. Ảnh: An Phương

Ông Trần Đoàn Trung tại tọa đàm, chiều 18/5. Ảnh: An Phương

Đại diện Liên đoàn lao động TP HCM đề xuất công đoàn dành nguồn tín dụng nhất định cho các chủ đầu tư vay lãi suất thấp để làm nhà ở xã hội, lưu trú cho công nhân. Sau đó, doanh nghiệp quay ngược lại hỗ trợ cho công nhân thuê giá rẻ. Công đoàn sẽ tham gia xét duyệt hồ sơ được thuê nhà xã hội như xác nhận đoàn viên công đoàn, làm việc ở các công ty, nhà máy.

Theo ông Trung, việc này không chỉ giúp nâng cao đời sống người lao động, mà còn giúp việc quản lý dễ dàng. Đơn cử, sau Covid-19, Chính phủ có gói hỗ trợ nhà trọ nhưng triển khai rất khó. Nếu người lao động ở trong nhà lưu trú, nhà ở xã hội do công đoàn, doanh nghiệp phối hợp xây dựng sẽ thuận tiện hơn nhiều. Tuy nhiên, cần có khảo sát, phân tách người có nhu cầu sở hữu nhà và nhóm cần chỗ ở phù hợp thu nhập để nắm được nhu cầu thực tế.

Trước đề xuất này, ông Lê Hữu Nghĩa nói sẵn sàng phối hợp công đoàn để làm nhà ở xã hội cho công nhân thuê. "Chúng tôi là nhà đầu tư có kinh nghiệm xây dựng, quản lý nên nếu được vay vốn lãi suất thấp, có sẵn quỹ đất sạch sẽ rất thuận tiện", ông Nghĩa nói, và đề nghị đẩy nhanh quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội để tránh bị đội giá.

Theo Vnexpress Copy link

Bình luận bài viết

5.0 (0 đánh giá)
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Chưa có file đính kèm
Đánh giá bài viết

Các bài viết khác

Sắp kết nối thanh toán mã QR xuyên biên giới với Trung Quốc

Theo kế hoạch năm 2025, NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng kết nối thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...hướng tới mục tiêu chung thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới.
01/12/2024

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới giữa năm sau

Quốc hội đồng ý kéo dài giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) tới giữa năm sau, trừ chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.
01/12/2024

Đề xuất thu thuế VAT với hàng nhập dưới một triệu đồng qua chuyển phát nhanh

Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua chuyển phát nhanh, nhằm tránh thất thu thuế, phù hợp thực tế.
30/11/2024

Kiến nghị cắt lỗ chứng khoán không cần đóng thuế

Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến rằng bán chứng khoán lỗ vẫn đóng thuế 0,1% là chưa phù hợp và cần xác định lại có lãi mới phải nộp.
26/11/2024

Ban Quản lý khai thác các cảng cá tỉnh Ninh Thuận: Điểm tựa cho ngư dân và phát triển kinh tế biển

Tỉnh Ninh Thuận, với đường bờ biển dài hơn 105km, được xem là một trong những trung tâm đánh bắt và nuôi trồng thủy sản quan trọng của miền Trung. Trong đó, Ban Quản lý Khai thác các cảng cá tỉnh Ninh Thuận đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh thủy sản diễn ra thuận lợi và bền vững.
25/11/2024

Bị 'ngâm' tiền thuê quảng cáo, loạt chung cư ở TPHCM kiện đối tác ra tòa

Các đơn vị quản lý, Ban quản trị (BQT) các chung cư ở TPHCM đã khởi kiện đơn vị “chây ỳ” tiền thuê vị trí quảng cáo là Công ty CP Truyền thông tập trung Mặt Trời vàng.
23/11/2024

Đề xuất sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số dự kiến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản thu phát sinh tại Việt Nam, theo tờ trình của Chính phủ.
22/11/2024

Quản lý thị trường vàng và đô la Mỹ làm 'nóng' nghị trường chất vấn tại Quốc hội

Là "Tư lệnh" ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trả lời đại biểu về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề làm "nóng" nghị trường là quản lý thị trường vàng và đô la Mỹ.
11/11/2024

Khởi tố vụ án tại Công ty vàng bạc SJC: Độc quyền vàng miếng thu tỷ USD, lãi bèo

Cơ quan điều tra khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn với 6 bị can bị buộc tội "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ông lớn độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC hoạt động ra sao?
10/11/2024

“Kinh tế nhà nước trong kỷ nguyên số”

Đó là chủ đề ấn phẩm chuyên san Hồ sơ sự kiện số 530, phát hành ngày 10/11/2024, sẽ đăng tải chậm hơn trên chuyên trang điện tử Hồ sơ sự kiện (https://hssk.tapchicongsan.org.vn).
08/11/2024

Sửa Luật Đầu tư công: Bảo đảm nguyên tắc mở để phát triển nhưng phải quản lý chặt chẽ

Bộ trưởng Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết và rất sát thực tế của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), bảo đảm nguyên tắc linh hoạt, mở để phát triển nhưng phải quản lý được, kiểm soát được.
06/11/2024

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.
09/10/2024