Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tại dự thảo, Bộ đề xuất 2 phương án hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2 phương án hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua và kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội, Bộ đề xuất điều chỉnh tăng mức hỗ trợ và bổ sung đối tượng hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
Phương án 1:
- Tăng mức hỗ trợ từ 30% lên thành 50% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội là người thuộc hộ nghèo;
- Tăng mức hỗ trợ từ 25% lên thành 40% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội là người thuộc hộ cận nghèo;
- Bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người thuộc dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ 30%;
- Tăng mức hỗ trợ từ 10% lên thành 20% đối với người tham gia khác.
Phương án 2: Giữ nguyên đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ như hiện hành và bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người thuộc dân tộc thiểu số với mức hỗ trợ 20%.
Dự thảo nêu rõ, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức hỗ trợ cao nhất.
Dự thảo khuyến khích các địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. |
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.
Theo dự thảo, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Phương thức hỗ trợ
Dự thảo nêu rõ, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng bảo hiểm xã hội phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội tự nguyện do cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.
Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31/12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ bảo hiểm xã hội của năm đó.
Theo dự thảo, kinh phí hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành; ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2008 theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 và được sửa đổi, bổ sung tại Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016) và từ ngày 01/7/2025 trở đi là Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15.
Tính đến hết tháng 9/2024, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,993 triệu người, chiếm 4,23% lực lượng lao động trong độ tuổi, gấp 332,2 lần số người tham gia của năm 2008; 9,18 lần số người tham gia năm 2015.
|