Chiều 17/5, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết phúc thẩm đối với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo khác trong vụ đại án Việt Á.
HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, gây bất bình trong xã hội, mất lòng tin, uy tín của Đảng đối với nhân dân nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Song cũng cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khi các bị cáo phạm tội trong thời điểm cấp bách, không hưởng lợi hoặc hưởng lợi ít.
Đối với bị cáo Phan Quốc Việt được xác định là chủ mưu của vụ án, hưởng lợi số tiền bất chính đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 tỷ đồng.
Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị cáo đã nộp khắc phục 100.000USD và 200 triệu đồng, phiên tòa phúc thẩm nộp thêm 200 triệu đồng nhưng bị cáo phải chịu các tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở nên.
Do đó mức hình phạt 29 năm tù về hai tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên là đúng người đúng tội, đúng pháp luật nên HĐXX cấp phúc thẩm có lý do để bác kháng cáo, y án sơ thẩm đối với Phan Quốc Việt.
HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá, bị cáo Nguyễn Thanh Long nhiều lần nhận tiền hối lộ của Phan Quốc Việt nhưng đã nộp lại toàn bộ số tiền trên là 2,25 triệu USD, thể hiện sự ăn năn hối cải.
Quá trình, phòng, chống dịch bị cáo có công lao lớn, có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, gia đình có công với cách mạng.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo xuất trình thêm tình tiết giảm nhẹ mới về bệnh của bản thân, nộp thêm tiền khắc phục cho Phan Quốc Việt là 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, HĐXX còn nhận thấy bị cáo là nhà khoa học uy tín, là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu giá trị cao…
Bị cáo cũng là giáo sư góp phần đào tạo gần 50 tiến sỹ y khoa.
Với việc bị cáo được nhiều tình tiết giảm nhẹ, công sức đóng góp nên chấp nhận một phần kháng cáo để bị cáo sớm trở về thành công dân có ích cho xã hội.
Đối với bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội chịu sự chỉ đạo, áp lực lớn từ cấp trên, bị cáo không hưởng lợi nhưng đã tự nguyện khắc phục 20 triệu đồng thay cho Phan Quốc Việt.
Quá trình công tác, bị cáo được nhiều thành tích, danh hiệu thi đua, người thân có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Bình Dương, CDC Bình Dương và nhiều viên chức người lao động có ý kiến xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phong.
So sánh mức độ hành vi với các bị cáo khác ở CDC Bình Dương, bị cáo có vai trò thấp hơn cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh - người được tòa sơ thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự, không nhận tiền Việt Á.
Khi so sánh giữa tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Trần Thanh Phong với bị cáo Nguyễn Thành Danh, HĐXX xét thấy việc đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phong là có cơ sở.
Từ những phân tích, đánh giá trên HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh Long.
HĐXX Tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Long 17 năm tù về tội nhận Hối lộ (án sơ thẩm 18 năm tù) và hình phạt bổ sung là 100 triệu đồng; tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long được dẫn giải đến phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ngoài ra, HĐXX cấp phúc thẩm cũng chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế (án sơ thẩm 7 năm, án phúc thẩm 6 năm 3 tháng về tội Nhận hối lộ); Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương (án sơ thẩm 13 năm, án phúc thẩm 12 năm); Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương (án sơ thẩm 24 tháng tù, án phúc thẩm 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo); Ngụy Thị Hậu, cựu Phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang (án sơ thẩm 30 tháng tù, án phúc thẩm 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo).
HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo, y án sơ thẩm đối với các bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á (án sơ thẩm 29 năm tù về 2 tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ); Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á (án sơ thẩm 15 năm tù về hai tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ); Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á (án sơ thẩm 30 tháng tù về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng).
Bản án sơ thẩm thể hiện, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit test cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.
Hành vi của Việt và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thiệt hại hơn 402 tỷ đồng tại 19 tỉnh, thành khi mua kit test đã bị nâng khống giá.