Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay chỉ số CPI chưa đạt trên 20% để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nên Bộ Tài chính "đang làm đúng luật".
Chiều 29/5, phát biểu làm rõ một số vấn đề về kinh tế xã hội đại biểu nêu tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh khoảng 4 triệu đồng một tháng, giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng. Mức này sau đó được sửa đổi vào năm 2013 và 2020.
Hiện, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng, mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng một tháng. Như vậy, với những người có người phụ thuộc thì thu nhập từ 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Người có hai người phụ thuộc thì thu nhập trên 22 triệu đồng mới phải nộp thuế.
Theo ông Phớc, mức giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng đang cao hơn 2,2 lần mức thu nhập bình quân hiện nay (4,96 triệu đồng). Trong khi trên thế giới là dưới 1 lần.
Hơn nữa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các năm từ 2020 đến 2023 lần lượt là 3,23, 1,84, 3,15 và 3,25. Như vậy cộng lại mới được 11,47%, trong khi luật quy định chỉ số CPI đạt trên 20% mới thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. "Bởi thế Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật", ông Phớc nói.
Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp tháng 10/2025, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng giữa năm 2026. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp.
Bà Đặng Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hòa Bình, cho rằng biểu thuế suất áp dụng từ 2007 không còn phù hợp. Theo bà, năm 2023, quy mô nền kinh tế là 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người gần 102 triệu đồng một người một năm. Mức thu nhập này gấp hơn 7,5 lần so với 2007.
Hơn nữa, bà Ngọc thấy thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người lao động. Từ 1/7 còn bắt đầu thực hiện chính sách tiền lương mới nên thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đóng thuế thu nhập.
Từ đó, đại biểu Ngọc đề nghị Chính phủ cần sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng "chỉ tính thuế với người có thu nhập cao". Việc này sẽ phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động lương thấp.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng mức giảm trừ này quá lạc hậu, nhất là với người phụ thuộc ở các thành phố lớn. Việc phải chờ thêm hai năm nữa mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo bà, dẫn tới hệ quả, "rất nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân".
Hiện, mức giảm trừ cá nhân 11 triệu được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế. Khảo sát của VnExpress cuối năm ngoái cho thấy, với hơn 23.900 độc giả có mức thu nhập bình quân 22 triệu đồng mỗi tháng, người nộp thuế chi tiêu cho bản thân mỗi tháng hơn 10 triệu đồng nhưng họ tốn ít nhất 7 triệu đồng để nuôi một người phụ thuộc - chiếm 70% mức chi cho bản thân, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 40% mà Bộ Tài chính xác định.
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.