Ngày 23/11/2019, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh về những khuất tất trong quản lý đất đai tại huyện Yên Lạc. Cụ thể là tranh chấp đất đai tại trại lợn của ông Nguyễn Ngọc Báu ở xã Trung Kiên. Sau phản ánh, công văn được gửi đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Nhận thấy chưa được hồi đáp, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ công tác tại UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn số 9792/UBND - TH2 cho phóng viên để nắm tinh thần làm việc. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì ghi nhận nội dung phóng viên phản ánh đồng thời nói rõ sẽ phối hợp để có kết quả khách quan. Ngay sau đó, UBND tỉnh Vĩnh phúc gửi công văn về tòa soạn thông báo đã đôn đốc UBND huyện về giải quyết tranh chấp đất đai tại trại lợn xã Trung Kiên.
Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 27/12/2019, phóng viên đến liên hệ công tác theo giấy giới thiệu số 1332/GGT - TC - MTĐT. Phóng viên có đến phòng họp để hỏi về việc đặt lịch phỏng vấn Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc. Gặp ông Trần Thanh Thọ là nhân vật được phóng viên phản ánh trong bài viết: “Vĩnh Phúc: Cần kiểm tra làm rõ khuất tất trong quản lý đất đai", Ông này chỉ sang phòng bên cạnh gặp Chánh Văn phòng. Khi phóng viên gửi giấy giới thiệu và làm việc thì ông Vũ Văn Thanh - Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lạc đã giáo huấn phóng viên: "Tại sao cô phản ánh về Yên Lạc? …” Phóng viên đã ghi đầy đủ hình ảnh về buổi làm việc trên. Ông Vũ Văn Thanh tìm công văn trả lời báo chí, sau đó đưa cho phóng viên và nói đã gửi tòa soạn qua bưu điện. Sau đó không hiểu vì lý do gì ông Thanh đòi lại trong khi phóng viên chưa kịp đọc. Phóng viên cầm văn bản và điện thoại trên cùng 1 tay, ông Thanh cướp trên tay điện thoại iPhone XSMAX và xé văn bản. Phóng viên tri hô “Ông có trả tôi điện thoại không? Ông định cướp điện thoại tôi à?” Ông Thanh đút túi quần và định mở điện thoại của phóng viên nhưng không mở được. Phóng viên tiếp tục nhắc: “Ông không được cướp điện thoại của tôi”. Ông Thanh lo lắng gọi công an huyện sau nhiều cuộc gọi.
Không hiểu vì lý do gì mà ông Vũ Văn Thanh đòi lại văn bản đã cung cấp cho phóng viên, trong khi phóng viên chưa kịp đọc. Đồng thời ông Thanh đã có hành vi "cướp" điện thoại iPhone XSMAX của phóng viên và xé tan văn bản do chính ông cung cấp.
Phóng viên làm việc với Công an huyện Yên Lạc trong sự bất an. Ông Sơn - Phó đội trưởng đội an ninh tổng hợp, Công an huyện Yên Lạc đã dọa phóng viên sẽ xử lý hành chính theo “luật riêng” “quy định của tỉnh Vĩnh Phúc” về việc dám quay phim tại trụ sở UBND huyện Yên Lạc. Thiết nghĩ, nếu làm việc minh bạch thì không việc gì ông Thanh phải đàn áp phóng viên cấm cản quay phim tác nghiệp. Việc “cướp” điện thoại của phóng viên là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, trụ sở UBND là nơi không quy định cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Trong trường hợp có sự kiện liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc liên quan đến bí mật nhà nước khác thì chỉ đặt biển cấm một thời gian nhất định để tổ chức sự kiện, xong thì cất đi. Việc ông Vũ Văn Thanh, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lạc “cướp” điện thoại và ông Sơn, Đội phó đội an ninh, Công an huyện Yên Lạc doạ phóng viên là hành vi không thể chấp nhận được. Điều này cho thấy, những cán bộ huyện Yên Lạc đã hạn chế quyền tự do tác nghiệp của báo chí cũng như của người dân trong giám sát hoạt động của các bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ.
Luật sư Trương Xuân Hải cho rằng Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế, việc UBND huyện Yên Lạc cấm phóng viên quay phim, chụp hình là trái với quy định của pháp luật, trái với quyền dân chủ và thực hành quyền giám sát của công dân.
Cũng theo Luật sư Hải, trụ sở UBND huyện là nơi tiếp công dân, công dân có quyền ra vào để liên hệ công việc, để làm việc hoặc thực hiện công việc của mình, vì vậy trụ sở UBND không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm theo Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải được sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.
Quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định tại Điều 25 Luật báo chí 2016 như sau:
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật; |
theo: moitruongdothi.vn