Theo đó, từ ngày mồng 10 đến ngày 15 tháng Giêng, tại huyện Lâm Bình sẽ diễn ra lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc Xuân Canh Tý 2020. Những lễ hội mùa xuân của đồng bào các dân tộc huyện Lâm Bình vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống. Đây là những lợi thế góp phần giúp địa phương đa dạng hóa các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch biên giới với bản sắc riêng, tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Lễ hội Lồng Tông sẽ được tổ chức vào 02 ngày (từ ngày 14 đến 15 giáng Giêng), đây là lễ hội có truyền thống lâu đời của đồng bào Tày tại huyện Lâm Bình. Lễ hội Lồng Tông mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, giống như Lễ hội xuống đồng của dân tộc Kinh, mở đầu cho một mùa sản xuất mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người mạnh khỏe, viên mãn đến với người nông dân. Lễ hội còn có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là văn hóa cộng đồng làng xã.
Hội thi bắt cá sẽ được tổ chức tạo không khí vui tươi, hứng khởi
Phần lễ bắt đầu bằng nghi thức rước lễ, các mâm lễ chuẩn bị chu đáo, tập trung tại khu vực đền Pú Bảo (thôn Bản Kè B, xã Lăng Can) để rước ra sân vận động nơi diễn ra lễ hội để làm thủ tục cúng thần linh, trời đất, núi, sông, những lễ vật người dân địa phương dâng lên đều thể hiện lòng thành của mỗi người dân cầu mong một năm mới được mạnh khoẻ, gia đình hạnh phúc, mùa màng tốt tươi. Sau lễ cúng thần linh, trời đất, Ban tổ chức thực hiện nghi thức cày “Tịch điền” để lấy may, lấy phúc. Các mâm cỗ sau khi được thầy mo làm lễ và phát lộc xong, sẽ được bà con phá cỗ tại chỗ và mời du khách gần xa đến tham dự lễ hội cùng thưởng thức các món ăn truyền thống được chế biến bởi những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Tày. Kết thúc phần lễ là phần hội. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dân tộc (kéo co, đẩy gậy, đánh quay, tung còn, giao lưu hát then...), các trò chơi dân gian (thi bắt cá; thi giã gạo bằng cối giã chân, đi guốc mộc, nhảy bao bố,...), trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, qua đó nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Một lễ hội không kém phần đặc sắc sẽ được tổ chức trong dịp này đó là Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Năm nay, Lễ hội nhảy lửa sẽ được UBND huyện Lâm Bình tổ chức tại thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang vào 18 giờ ngày 15 tháng Giêng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn; một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, thể hiện sức mạnh phi thường dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật của người dân Pà Thẻn.
Các chàng trai Pà Thẻn nhảy múa trên đống than hồng rực nhưng không hề sợ hãi
Thành viên tham gia nhảy lửa có khoảng 8 đến 10 người, là những thanh niên khỏe mạnh trong làng. Trước khi nhảy lửa, thầy cúng làm lễ xin thổ công, thổ địa cho phép nhảy lửa, rồi đến lễ cúng thần Lửa, tiếp đó thầy cúng điều khiển các thành viên ngồi trước mặt mình nhận sức mạnh rồi nhảy vào đống lửa rực hồng trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người mà không hề bị bỏng. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, ông thầy cúng lại làm lễ để tiễn "thần lửa" và các con ma về chốn cũ.
Ngoài sự thần bí linh thiêng, nghi lễ thể hiện sự cầu mong sức khỏe cho dân làng, mùa màng bội thu cho bà con trong năm mới. Với người Pà Thẻn, việc tổ chức nhảy lửa là một nghi lễ vô cùng quan trọng, bởi vì nhảy lửa không chỉ thể hiện mong ước của người dân về một cuộc sống nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, bệnh tật bị đẩy lùi mà còn là dịp để mọi người trong làng xóm gần gũi nhau hơn, đoàn kết gắn bó bên nhau hơn.
Đến Lâm Bình những ngày giáp Tết, không khí vui tươi, nô nức là điều dễ nhận thấy trong nhịp sống của bà con các dân tộc nơi đây. Ở trung tâm của nhiều xã trên địa bàn huyện, chính quyền xã đã chuẩn bị tổ chức các hoạt động vui Tết, đón xuân cho người dân. Theo thông lệ, những ngày đầu năm mới, tại các thôn bản, đồng bào các dân tộc Tày, Dao, H Mông... sẽ diện váy, áo mới rực rỡ màu sắc, cùng nhau vui xuân, tham gia các trò chơi dân gian đầy hào hứng, sôi nổi tạo không khí sôi nổi, hào hứng cho người dân, du khách.
Nói rõ hơn về công tác chuẩn bị tổ chức các lễ hội đầu xuân Cánh Tý 2020, ông Hoàng Văn Thức - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết: “Hiện nay phòng đã tham mưu cho UBND huyện và Ban tổ chức các ngày lễ lớn, tập trung chỉ đạo UBND các xã có tổ chức lễ hội xây dựng tốt các hoạt động diễn ra trong lễ hội. Ngoài ra, UBND các xã khác không có lễ hội cũng phối hợp tham gia các hoạt động trò chơi dân gian, thể dục thể thao….qua đó nhằm phát huy tốt các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện”.
"Với phương châm chu đáo, thiết thực, lành mạnh, tiết kiệm, đạt chất lượng về cả nội dung và hình thức, các lễ hội sẽ phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc địa phương và đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch của huyện” - ông Thức cho biết thêm.
Nguồn: vanhien.vn/Lê Hoàn