Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực và tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký quyết định ban hành kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban.
Mục tiêu chung của kế hoạch là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ.
Một trong những mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh minh họa: Duy Vũ
Kế hoạch còn hướng tới tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số của các ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương; Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai chuyển đổi số.
Đồng thời, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia cùng các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định rõ 8 chỉ tiêu cụ thể ưu tiên thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, trong kế hoạch mới ban hành, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã vạch rõ hơn 60 nhiệm vụ cần được tập trung triển khai thời gian tới, được tổ chức thành 8 nhóm công việc chính gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; Công nghiệp công nghệ số; Số hóa các ngành kinh tế; Dữ liệu số; Phát triển hạ tầng số; Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Truyền thông và phát triển nhân lực số. Đặc biệt, mỗi nhiệm vụ đều có phân công rõ cơ quan thực hiện, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành và kết quả cần đạt được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao trách nhiệm cho các Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành thuộc lĩnh vực mình phụ trách tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch; Triển khai công tác số hóa ngành, lĩnh vực mình phụ trách để đẩy mạnh phát triển kinh tế số, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT có trách nhiệm đôn đốc các ủy viên Ủy ban, các bộ, ngành và địa phương triển khai kế hoạch. Các ủy viên Ủy ban chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ, ưu tiên bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách được giao năm 2024 để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của bộ, tỉnh mình.
Trước đó, đánh giá về kết quả triển khai chuyển đổi số trong năm 2023, phiên họp thứ 7 được tổ chức cuối tháng 12/2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã thống nhất nhận định: Chuyển đổi số quốc gia đã được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước; Các nền tảng cơ bản cho việc tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng phát triển 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã được hình thành.
8 chỉ tiêu cụ thể ưu tiên thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024:
- Thúc đẩy phát triển 48.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương;
- 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải;
- 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến;
- Hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, gồm 25 dịch vụ theo Đề án 06 của Chính phủ và 28 dịch vụ theo quyết định 422 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ;
- 100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ - hệ thống EMC;
- 100% hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
-100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động;
- 100% bộ, ngành, địa phương dùng nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.
|