Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thêm một ngân hàng vừa đăng ký tham gia chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nâng tổng số tiền đăng ký lên mức 145.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngân hàng mới nhất tham gia chương trình tín dụng này là HDBank. Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 9 ngân hàng tham gia gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội gồm nhóm ngân hàng Big 4 (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng; 5 ngân hàng thương mại cổ phần còn lại mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng là MB, VPBank, Techcombank, TPBank và HDBank.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa gửi Quốc hội, mặc dù tổng quy mô gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội khá lớn nhưng đến nay việc giải ngân rất hạn chế. Hiện mới có 35/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng hoặc công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử với 84 dự án. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.629 tỷ đồng bao gồm 1.511 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 14 dự án và 118 tỷ đồng cho người mua nhà tại 11 dự án.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, ngoài nguồn cung hạn chế, nguyên nhân khiến gói tín dụng giải ngân chậm là do một số dự án gặp vướng mắc về pháp lý; đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội,...
Vì vậy, để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã có đề nghị các địa phương khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn của chương trình để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử để từ đó các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng theo dõi, tổng hợp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt chương trình tín dụng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ,…
Ngoài ra, nhận diện được những khó khăn trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất điều chỉnh nội dung Chương trình 120 nghìn tỷ đồng theo hướng nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà từ 2% lên 3%/năm trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo thấp hơn 1-2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn VND của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.