Dự thảo luật đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Chiều 3/6, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình Quốc hội Dự thảo luật Công đoàn sửa đổi.
Ông Khang cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp theo 2 phương án:
Phương án 1: Giao Chính phủ quy định chi tiết.
Phương án 2: Quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay, theo phương án 1, Chính phủ chỉ cần quy định việc phân phối kinh phí công đoàn cho những nơi (doanh nghiệp) đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và cấp phép hoạt động hợp pháp. Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị chọn phương án 1.
Đánh giá kỹ tác động chính sách mới
Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, về việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.
Ủy ban Xã hội ủng hộ ý kiến nhất trí việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vấn đề, trong tương lai "kinh phí công đoàn" có thể còn được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Vì vậy, cần thông tin về tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.
Theo đại diện Ủy ban Xã hội, dự luật đã bổ sung quy định "tạm dừng đóng" kinh phí công đoàn. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với quy định này, vì lý do bảo đảm tính linh hoạt, để xử lý được thực tiễn đa dạng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động.
Về nội dung phân định mục tiêu sử dụng quỹ công đoàn, Ủy ban Xã hội nhận định, đây là vấn đề khó và ý kiến còn khác nhau. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện thông tin làm căn cứ, cơ sở cho cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, bên cạnh 2 phương án được Chính phủ trình, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định “tỷ lệ cứng” như phương án 2 mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện thông tin làm căn cứ, cơ sở cho cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến; đồng thời, nghiên cứu ý kiến góp ý của Chính phủ về nội dung này.