Khi chính quyền xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) mời chủ mỏ đá đến làm việc, đơn vị này đã cung cấp giấy gia hạn mờ nhòe và thông báo mỏ còn hạn, trong khi xác minh thực tế, mỏ này đã hết hạn.
9 năm về trước, UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Phú Ân (Công ty Phú Ân) khai thác tận thu đá và thuê đất tại bãi thải của công trình thủy điện Sêrêpốk 4A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) với diện tích 173.000m2, khối lượng đá được tận thu trên 180.000m3.
Đến năm 2020, khi giấy phép hết hạn, Công ty Phú Ân làm thủ tục và UBND tỉnh Đắk Lắk gia hạn khai thác đến 1/2/2024.
Khu vực mỏ khai thác đá tận thu rộng trên 173.000m2 tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Ảnh: Trương Nguyễn).
Trong quyết định nêu rõ, công ty có trách nhiệm kết thúc khai thác, thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tuy nhiên, khi giấy phép hết hạn, phía Công ty Phú Ân vẫn hoạt động.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, cho biết, Công ty Phú Ân khai thác đá trên địa bàn nhưng địa phương không nắm rõ thời gian nào mỏ đá này hết hạn. Tháng 4 vừa qua, khi xã nhận được phản ánh về việc hết hạn nhưng công ty này vẫn khai thác và đã mời đại diện của công ty lên làm việc.
Công ty Phú Ân cung cấp cho chính quyền xã bản photo bị nhòe phần tháng và khẳng định giấy phép còn hạn (Ảnh: Uy Nguyễn).
Theo ông Dũng, qua làm việc, ông N.Đ.H., Phó Giám đốc Công ty Phú Ân cung cấp cho xã một đơn đề nghị gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (ký ngày 20/1) và một bản photo giấy phép khai thác khoáng sản gia hạn nhưng bị nhòe tại vị trí tháng của giấy phép.
"Họ có nói hạn giấy phép hết hạn vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, xã không có chức năng để kiểm tra văn bản gốc nên tôi có yêu cầu cán bộ địa chính đính kèm các văn bản để xin ý kiến của huyện", ông Dũng nói.
Ông Dũng thông tin thêm, mỏ đá của Công ty Phú Ân bị người dân nhiều lần phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri về việc gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn khi xay đá khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Tháng 3 vừa qua, xã đã lập biên bản, phía công ty thừa nhận có bụi, tiếng ồn do đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến tỉnh lộ 1 dịp Tết Nguyên đán. Xã đã yêu cầu đơn vị có giải pháp khắc phục và công ty cam kết sẽ giảm tần suất, tăng cường phun nước trên đường để giảm thiểu bụi.
Huyện Buôn Đôn chỉ đạo xã lập biên bản, yêu cầu đơn vị này phải tạm ngưng các hoạt động liên quan đến mỏ đá (Ảnh: Trương Nguyễn).
Một lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn, xác nhận, phía đơn vị khai thác đá có dấu hiệu "qua mặt" chính quyền địa phương. Huyện đã kiểm tra bản gốc giấy phép và xác định đã hết hạn từ ngày 1/2.
"Tôi đã giao chính quyền xã lập biên bản, yêu cầu đơn vị này tạm dừng mọi hoạt động khai thác. Riêng vị trí đặt máy xay đá, có phản ánh đơn vị lén hoạt động vào ban đêm, huyện chỉ đạo xã bố trí lực lượng để kiểm tra, theo dõi nếu đúng sẽ cương quyết xử lý nghiêm", lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn khẳng định.
Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Buôn Đôn, cho biết, đơn vị có vào kiểm tra khu vực chế biến đá và mời đại diện công ty đến cung cấp các văn bản pháp luật liên quan nhưng đến nay, phía công ty vẫn không có ai đến làm việc.
Theo ông Vinh, huyện sẽ tiếp tục phát giấy mời để yêu cầu phía Công ty Phú Ân đến làm việc.
Ngoài việc đặt máy xay đá, đơn vị này còn cho lắp đặt trạm trộn bê tông nhựa nóng (Ảnh: Trương Nguyễn).
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn, trụ sở tại Đắk Lắk cho biết, Công ty Phú Ân là đơn vị trực thuộc doanh nghiệp này, khai thác đá tận thu tại xã Krông Na để phục vụ cho các công trình mà Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn thi công, trong đó có tuyến tỉnh lộ 1 đoạn qua huyện Buôn Đôn.
Với việc chính quyền địa phương cho rằng, đơn vị có dấu hiệu "qua mặt" khi cung cấp giấy photo nhòe để "lập lờ", vị đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn trần tình: "Có thể do anh em quản lý nhiều mỏ quá nên nhầm lẫn ngày tháng…(!?)".