Khách không cần mặc áo phao, không chứng chỉ hoạt động... nhưng nhiều tàu câu mực đêm tại Đà Nẵng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp lệnh phạt.
Thời gian gần đây, dịch vụ câu mực đêm tự phát nở rộ tại Đà Nẵng. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “câu mực đêm Đà Nẵng” trên mạng xã hội Facebook và Tiktok, hàng loạt video và bài viết quảng bá về trải nghiệm câu mực xuất hiện.
Một số bài viết trên Facebook để câu khách như: “Ngày mai ghe nhà mình còn trống, anh em nào đi câu mực thì alo mình nhé. SĐT…”. Trong khi đó, trên mạng xã hội Tiktok, các video quay lại hành trình trải nghiệm câu mực đêm kèm theo đó là số điện thoại để liên hệ đặt lịch câu mực.
Ngày 9.7, chúng tôi liên hệ đến số điện thoại của tàu câu mực K.N. Bên kia đầu dây có người bắt máy và cho biết giá câu mực 250.000 đồng/người nếu là khách lẻ và 2 triệu rưỡi nếu muốn bao luôn cả tàu.
Hỏi về thời gian đi, người này cho biết có 2 chuyến mỗi ngày. Chuyến đầu tiên khởi hành lúc 18h và kết thúc lúc 22h, chuyến sau từ 23h và kết thúc lúc 6h sáng.
“Dịch vụ đầy đủ, anh chỉ cần đi không hoặc mang theo bia, đồ ăn thêm thì tùy. Mấy bữa nay biển lặng, mực câu toàn được con to”, người này mời chào.
Để mục sở thị hoạt động câu mực, chúng tôi đã liên hệ tới một chủ tàu câu mực khác tên M.H và đặt lịch đi câu mực với giá 250.000 đồng/người. Chốt và chuyển cọc, chúng tôi được H hướng dẫn tới khu vực bãi đá gần Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (quận Sơn Trà) lúc 18h để lên thuyền thúng, di chuyển ra tàu câu mực đang đậu sẵn gần đó.
Đi cùng chúng tôi cũng có 4 hành khách khác. Tuy nhiên, dù thuyền có áo phao được cất trong hầm nhưng chủ tàu không hề yêu cầu hành khách mặc vào. Tàu cũng không trang bị thiết bị PCCC.
Mất tầm 20 phút, tàu di chuyển tới địa điểm câu. Lúc này, các đèn pha xung quanh tàu được bật sáng hết công suất để thu hút mực. Ngồi sát mạn thuyền, mỗi khách được phát cho 1 cần câu gắn mồi giả và hướng dẫn cách câu mực.
“Thả xuống chạm đáy rồi kéo lên cách đáy vài mét, cứ mỗi 3 giây giựt giựt cần 1 lần cho mồi cử động vì mực không ăn mồi chết”, H hướng dẫn.
Khi được hỏi về chứng nhận hoạt động, H thừa nhận không có: “Chui hết, kể cả mấy cái cano chạy trên biển kia cũng là chui. Đăng kí dễ gì, khó lắm”. H cho biết mấy tháng trước mới bị lực lượng bộ đội biên phòng phạt vì chở khách đi câu mực.
Đến 23h, chuyến câu mực kết thúc. H lái tàu về, khi đến gần vị trí neo đậu thì tắt đèn. Khách xuống thuyền thúng đi vào bờ. Một chuyến đi câu trót lọt.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Sơn Trà – Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện tàu chở người sai quy định. Ngày 24.4 vừa qua, Đồn đã lập biên bản xử phạt 1 trường hợp 25 triệu đồng vì dùng tàu cá chở 8 người không mang áo phao đi lặn biển ngắm san hô. |
Theo lãnh đạo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng chưa có sản phẩm du lịch câu mực, câu cá. Các ngư dân có tàu cá tại địa phương hầu hết đều làm dịch vụ câu chui, không đảm bảo an toàn cho du khách.
Lãnh đạo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, câu cá, mực trải nghiệm là sản phẩm du lịch khá thành công ở các nước phát triển. Hoạt động giúp gia tăng trải nghiệm văn hóa, đời sống bản địa cho du khách và tạo được nguồn thu giúp ngư dân gắn bó với biển.
“Để câu mực, các trở thành sản phẩm du lịch đúng nghĩa thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. Làm sao vừa đúng luật lại đảm bảo các yếu tố văn hóa địa phương và trên hết là đảm bảo an toàn cho du khách khi trải nghiệm loại hình dịch vụ này”, lãnh đạo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chia sẻ.