Đề xuất thành lập "bến xe ảo" trong khu vực nội thành nhằm quản lý xe hợp đồng với điều kiện chỉ dừng đỗ khoảng 3-5 phút để đón, trả hành khách.
Theo thống kê, đến hết năm 2023, cả nước có 331.914 xe kinh doanh vận tải hành khách. Trong đó có 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển.
Với số lượng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách, xe hợp đồng (trong đó có loại hình xe chở khách lẻ - hay được gọi là xe hợp đồng trá hình) đang được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.
Với loại hình này, hành khách được đón tận nhà và trả tận nơi cần đến. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này cũng gây nhiều hệ lụy, trong đó có nguy cơ mất an toàn giao thông mà vụ tai nạn thảm khốc từ một xe chở khách của nhà xe Thành Bưởi xảy ra vào ngày 30/9/2023 là ví dụ điển hình. Xe này hoạt động theo hình thức hợp đồng (chở khách riêng lẻ) mà không vào bến.
Nhằm quản lý xe hợp đồng trá hình, nhiều ý kiến cho rằng, cần xếp loại hình này như xe khách cố định. Theo đó, xe hợp đồng trá hình phải vào bến.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, người sử dụng dịch vụ sẽ là người quyết định xu thế phát triển của các loại hình dịch vụ. Với tiện ích hơn hẳn so với các tuyến xe khách cố định, xe hợp đồng thời gian qua đã phát triển rất mạnh.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đường bộ đang trình Quốc hội cho ý kiến (dự kiến sẽ thông qua vào cuối tháng này) lại quy định: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (xe hợp đồng - PV) là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng ô tô để vận tải hành khách theo hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả thuê người lái xe.
Ông Quyền cho rằng, với định nghĩa như trên, loại xe hợp đồng lâu nay được gọi là xe hợp đồng trá hình sẽ không còn nằm trong tiêu chí của kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
"Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu xếp loại hình kinh doanh vận tải này vào loại hình cụ thể. Đa số các xe chỉ chạy ở cự ly 200km trở lại, có nhất thiết phải vào bến hay không, hay cho phép các xe được đón trả khách ở các vị trí hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông", ông Quyền nói.
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, ngoài các bến xe đã quy hoạch nên quy định thêm các vị trí đón trả khách như bến tạm mà cả xe tuyến cố định và xe hợp đồng đều có thể sử dụng để tiếp cận hành khách, làm sao để phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Thông tin của các bến này cũng cần được công khai trên các website để người dân nắm được.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH X.E Việt Nam cho rằng, nếu trong quy hoạch của thành phố có thể bố trí thêm các bến tạm, ở sâu khu vực trung tâm nội thành thì đây là điều kiện thuận lợi cho các loại hình vận tải, không chỉ xe cố định hay xe hợp đồng.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, giải pháp này khó khả thi bởi sẽ có những vấn đề phát sinh như: Quỹ đất, quy hoạch đô thị sẽ ảnh hưởng đến vị trí điểm đón…
Từ đó, ông Nam đề xuất cần phát huy sự chủ động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cho phép các đơn vị mở các văn phòng đón, trả khách nhưng đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để các doanh nghiệp phải đáp ứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tại các văn phòng này, doanh nghiệp phải đăng ký tần suất, số lượng phương tiện hoạt động. "Với giải pháp này sẽ vừa giải quyết được cái khó của doanh nghiệp về có điểm phục vụ hành khách, đồng thời cơ quan quản lý cũng kiểm soát được số lượng các văn phòng và điều kiện phải đáp ứng, góp phần quản lý trật tự đô thị và an toàn giao thông cho hành khách", ông Nam nêu ý kiến.
GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học Giao thông vận tải kiến nghị, quản lý xe hợp đồng đón, trả khách trong nội thành cần có lộ trình, trước mắt nghiên cứu hạn chế về mặt không gian.
“Nên chăng xác định các vị trí có thể thành lập "bến xe ảo" với thời gian dừng, đỗ khoảng 3 - 5 phút ở khu vực nội thành, ngoại thành cho mỗi phương tiện. Tuyến đường nào không cấm dừng đón trả khách đều có thể hoạt động, điểm đón, trả khách đảm bảo khoảng cách đi bộ từ 500m trở xuống chứ không phải vài km. Thời gian hoạt động có thể hạn chế trong khung giờ cao điểm để đảm bảo an toàn”, GS.TS. Từ Sỹ Sùa nói.
Ông cũng lưu ý, trong lúc chờ dự thảo Luật Đường bộ được thông qua cũng như các quy định mới được ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn cần chấp hành nghiêm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, phải luôn đặt vấn đề đảm bảo an toàn giao thông lên hàng đầu.