Để giải quyết thách thức về môi trường, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu xử lý, kiểm soát chặt nguồn thải và di dời ra khỏi đô thị, nơi tập trung đông dân cư, gần nguồn nước đối với các cơ sở gây ô nhiễm.
Nội dung này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề cập khi báo cáo Quốc hội sáng 6/6, trước khi bắt đầu trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tính cực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%).
"Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thúc đẩy chính sách hỗ trợ để khoan thư sức dân
Về các nhiệm vụ giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trước hết cần tập trung hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường.
Trong đó, ông lưu ý đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, gắn đánh giá thực chất với đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ.
Nhiệm vụ khác được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để khoan thư sức dân, khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Ông cho biết ngay trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Về giải quyết những vấn đề nóng hiện nay, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ ưu tiên nguồn lực triển khai chính sách xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, cơ chế ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội. Đi kèm với nhiệm vụ này, theo ông Trần Hồng Hà, cần nghiên cứu thành lập Quỹ về phát triển nhà ở xã hội với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tập trung giải quyết các thách thức về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập.
Ông cho biết quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là yêu cầu xử lý, kiểm soát chặt nguồn thải theo nguyên tắc không có nước thải vào môi trường nước đã vượt quá hạn ngạch xả thải; di dời ra khỏi đô thị, nơi tập trung đông dân cư, gần nguồn nước đối với các cơ sở gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, cần chú trọng phân loại rác tại nguồn, tăng cường xử lý, tái chế, tái sử dụng rác thải, biến rác thải thành tài nguyên.
ĐBSCL sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống đường cầu cạn
Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển , ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả để từng bước khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún bằng các biện pháp tổng thể, tôn trọng quy luật tự nhiên.
Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai có hiệu quả Đề án "phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030…
"Về lâu dài, đối với ĐBSCL sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống đường cầu cạn, phát huy tiềm năng giao thông thủy", ông Hà nói.
Bên cạnh đó, ông cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường nỗ lực nội sinh để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.