Cần hạn chế lạm dụng yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp

Hơn một năm triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg, hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã có những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy xu thế biến động của yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người dân có chiều hướng gia tăng và đi kèm theo đó là vấn đề lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong những năm gần đây, thuật ngữ “Phiếu lý lịch tư pháp” đã trở nên khá quen thuộc đối với đa số người dân và doanh nghiệp, kể cả người nước ngoài đã và đang làm việc ở Việt Nam. Pháp luật hiện hành quy định Phiếu lý lịch tư pháp là một loại giấy tờ do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 63 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Phiếu lý lịch tư pháp có giá trị pháp lý chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quyết định tuyên bố phá sản.

Với ý nghĩa như vậy, trong xu thế hội nhập quốc tế, không chỉ người Việt Nam cần phải có Phiếu lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ khi tham gia vào các quan hệ cụ thể như tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tham gia vào một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tham gia vào các thủ tục hành chính... mà người nước ngoài đến Việt Nam cũng cần phải có khi tham gia vào một số quan hệ lao động cụ thể. Trên thế giới, mỗi quốc gia, do hệ thống pháp luật khác nhau nên việc quy định về giá trị pháp lý cũng như việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp cũng có sự khác nhau, không đồng nhất. Ở Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ trong thành phần hồ sơ trong đó có Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng “... một số tổ chức, danh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động... dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội”[1]. Để khắc phục tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (Chỉ thị số 23/CT-TTg) yêu cầu các bộ, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ các biện pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến toàn trình...

Hơn một năm triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg, hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã có những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy xu thế biến động của yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người dân có chiều hướng gia tăng và đi kèm theo đó là vấn đề lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Vì vậy, cần phải nhìn nhận, đánh giá khách quan về xu thế đó, đồng thời, sớm nghiên cứu đề ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

1. Thế nào là “lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp”

Thời điểm hiện nay, các văn bản pháp luật chưa giải thích rõ như thế nào là “lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp” hay “lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp”. Vì vậy, ở mỗi góc độ của chủ thể sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp sẽ có sự nhìn nhận khác nhau về vấn đề này.

 Trong đời sống xã hội, thuật ngữ “lạm dụng” được sử dụng khá phổ biến. Từ điển tiếng Việt[2] (Hoàng Phê chủ biên, 1992, trang 538) định nghĩa “lạm dụng” là “dùng, sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn”. Như vậy, trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, có thể hiểu “lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp” là hành vi của cơ quan, tổ chức yêu cầu cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài) cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp của họ vượt quá phạm vi giới hạn theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Bên cạnh đó, Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp quy định có 03 nhóm chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 63 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bao gồm:

Thứ nhất, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của chính cá nhân họ (trừ trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp). Với nhóm chủ thể này, việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của họ phát sinh khi họ muốn biết về nhân thân trong quá khứ của bản thân, khi họ cần có Phiếu lý lịch tư pháp số 2 hoặc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp để tham gia các thủ tục hành chính có Phiếu lý lịch tư pháp là một thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính hoặc tham gia các quan hệ khác như lao động, việc làm... trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ.

Từ kết quả rà soát các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp thuộc các ngành, các lĩnh vực theo yêu cầu Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp (Quyết định số 498/QĐ-TTg), theo đó, 148 thủ tục hành chính cần thiết phải đơn giản hóa, bao gồm: 08 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; 04 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngoại giao; 15 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nội vụ; 02 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; 28 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính; 28 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp; 01 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xây dựng; 07 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực y tế; 19 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngân hàng nhà nước; 03 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; 19 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; 05 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Công an; 02 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quốc phòng và 03 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (có 04 thủ tục hành chính để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không thuộc diện đơn giản hóa do không có Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ).

Như vậy, ở thời điểm ban hành quyết định, pháp luật quy định có 148 thủ tục hành chính có Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ ở tất cả các lĩnh vực của quản lý nhà nước (04 thủ tục hành chính để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không thuộc diện đơn giản hóa do không có Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ). Việc yêu cầu người dân phải có Phiếu lý lịch tư pháp để thực hiện thủ tục hành chính hoặc phục vụ các nhu cầu khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà pháp luật không quy định thì đây được coi là lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Pháp luật tố tụng hình sự đã xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do đó, để làm rõ nhân thân của người có hành vi phạm tội, Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp cho phép cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Thứ ba, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (cơ quan, tổ chức) có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Các chủ thể này đều có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và có đội ngũ nhân sự được tuyển dụng theo quy định của pháp luật, vì vậy, Luật Lý lịch tư pháp quy định rõ quyền yêu cầu và mục đích yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của họ đối với các nhân sự thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp vì lý do nào đó, cơ quan, tổ chức buộc nhân viên thực hiện yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để nộp lại cho cơ quan, tổ chức đó, thì đây là việc làm không đúng thẩm quyền, lạm dụng quyền yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp của nhân viên.

Như vậy, lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg có thể có những đặc trưng:

- Pháp luật không quy định Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ giải quyết công việc nhưng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (hộ gia đình) vẫn yêu cầu người dân phải có.

- Trách nhiệm thuộc về cơ quan, tổ chức nhưng bắt buộc người dân phải làm.

- Việc lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người dân nhưng mặc nhiên không trái quy định của pháp luật, bởi lẽ pháp luật không cấm điều này.

2. Thực trạng và biểu hiện của tình trạng “lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp”

Trong những năm qua, việc lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp diễn ra tương đối đa dạng. Sau khi triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông về lý lịch tư pháp đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã từng bước chuyển biến tích cực: số yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được giải quyết gia tăng; các hình thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp được mở rộng hơn với sự hình thành của việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID); chất lượng dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp không ngừng được bảo đảm. Qua Sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg, kết quả cho thấy Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 63 Sở Tư pháp đã cấp 1.119.950 Phiếu lý lịch tư pháp2. Mặc dù chưa có cuộc khảo sát về việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người dân nhưng qua phân tích, đánh giá mục đích sử dụng được người dân kê khai trong các hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, kết quả cho thấy các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã thực hiện tương đối nghiêm túc quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình, qua đó, góp phần tích cực khắc phục tình trạng lạm dụng. Ở nhóm chủ thể là doanh nghiệp, tại những địa bàn làm tốt công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và truyền thông về lý lịch tư pháp (như Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Phước, Hà Giang, Sơn La...), tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cơ bản được khắc phục. Điển hình là trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có 02 nhóm lao động: 24 chuyên gia nước ngoài và 3.000 công dân Việt Nam. Theo khoản 3 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động phải có Phiếu lý lịch tư pháp đối với lao động là người nước ngoài. Khi Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra thực tế, Công ty chỉ yêu cầu các lao động là người nước ngoài phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ tuyển dụng; đối với người lao động là công dân Việt Nam, Công ty không yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ tuyển dụng mà chỉ cần văn bản “xác nhận hạnh kiểm tại chính quyền địa phương theo mẫu trong hồ sơ xin việc”[3].

Đối với việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 của các cơ quan tiến hành tố tụng, chỉ tính riêng năm 2023, Tòa án nhân dân các cấp “... đã xét xử 94.161 vụ án hình sự với tổng số 176.040 bị cáo, đạt 98% về số vụ và 96,35% về số bị cáo”[4]. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của ngành Tư pháp, số trường hợp do cơ quan tố tụng yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp của bị can, bị cáo chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng số bị cáo đã được xét xử và so với tổng số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp. Như vậy, việc lạm quyền yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp không phát sinh ở nhóm chủ thể này.

Tuy nhiên, ở nhóm doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức của các nước có công dân Việt Nam đến lao động, học tập, định cư thì tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp có xu hướng gia tăng. Từ kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp sau một năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg, có thể tập hợp lại một số biểu hiện của tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

Một là, pháp luật không quy định Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ giải quyết công việc nhưng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn yêu cầu người dân phải có Phiếu lý lịch tư phápBiểu hiện này đã được một số báo đưa tin và phản ánh về những khó khăn của người dân khi làm thủ tục để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của người dân[5]. Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam không những yêu cầu công dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp (Thái Nguyên, Trà Vinh) mà còn yêu cầu phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Đây là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự gia tăng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở đa số các địa phương: tỉnh Bình Thuận cấp 11.755 Phiếu (tăng 6,2%), thành phố Hồ Chí Minh cấp 132.203 Phiếu (tăng 13%) so với cùng kỳ.

Hai là, pháp luật quy định chỉ cần Phiếu lý lịch tư pháp số 1 nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân lại yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Tình trạng này xuất hiện phổ biến khi công dân Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài hoặc định cư ở nước ngoài (Mỹ, Canada và một số nước thuộc Liên minh châu Âu - EU). Nếu công dân Việt Nam không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ của họ sẵn sàng bị từ chối. Theo Báo cáo sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (như Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...), số lượng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đặc biệt là “việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 có xu hướng ngày càng tăng so với trước khi có Chỉ thị số 23/CT-TTg. Các cơ quan như cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi xin thị thực nhập cảnh hoặc làm một số thủ tục khác tại cơ quan đại diện; một số cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và doanh nghiệp cũng yêu cầu cá nhân nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để xin giấy phép an ninh hàng không, chứng khoán, xin việc làm... dẫn đến số lượng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp gia tăng”[6]. 

Ba là, pháp luật không quy định thời hạn sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp nhưng một số tổ chức, doanh nghiệp vẫn yêu cầu nộp Phiếu theo định kỳ 06 tháng hoặc 01 năm. Pháp luật hiện hành không quy định thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp nên việc sử dụng Phiếu trong thời gian bao lâu kể từ ngày được cấp Phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng Phiếu. Theo tinh thần của Luật Lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp chỉ chứng minh một cá nhân có hay không có án tích tính từ thời điểm cấp Phiếu trở về quá khứ của họ.

Bốn là, pháp luật quy định quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thuộc về cơ quan, tổ chức, tuy nhiên, cơ quan, tổ chức không thực hiện quyền năng này mà họ bắt cá nhân phải thực hiện yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Những trường hợp này phát sinh chủ yếu khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành việc tuyển dụng công chức, viên chức. Theo đó, các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chưa chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp mà chủ yếu yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp.

Phát sinh tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, về mặt pháp lý, Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan chưa xác định rõ nội hàm của cụm từ “lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp”. Điều 8 Luật Lý lịch tư pháp chỉ quy định 06 hành vi bị cấm (khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại dữ liệu lý lịch tư pháp; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sai sự thật; giả mạo giấy tờ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; tẩy xóa, sửa chữa, giả mạo Phiếu lý lịch tư pháp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nội dung sai sự thật, trái thẩm quyền, không đúng đối tượng; sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân), trong đó không có hành vi “lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp” hay “lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp” hay “hành vi sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp không đúng mục đích”.

Bên cạnh đó, trong quá trình soạn thảo và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp, cá biệt có cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chú trọng tới vấn đề này, điển hình là quy định về Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ tuyển dụng viên chức được quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Mặc dù được ban hành sau khi có Chỉ thị số 23/CT-TTg, tuy nhiên, khoản 10 Điều 1 Nghị định này vẫn quy định hồ sơ tuyển dụng viên chức mà người trúng tuyển phải có “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, bao gồm:... b) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 do cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Ngoài ra, khi người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế, trong hồ sơ của người lao động, mặc dù pháp luật Việt Nam chỉ quy định “sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động"[7]. Tuy nhiên, quá trình thương lượng, đàm phán với các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa quan tâm đến quy định này cũng như quy định của pháp luật nước sở về Phiếu lý lịch tư pháp. Vì vậy, khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động để ra nước ngoài làm việc, doanh nghiệp vẫn buộc người lao động phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ.

Thứ hai, về mặt xã hội, Luật Lý lịch tư pháp quy định mục đích sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp số 2, ngoài việc phục vụ hoạt động của các cơ quan tố tụng thì xuất phát từ chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp số 1 nhằm giúp cho người đã được xóa án tích được bình đẳng, tránh phân biệt đối xử, kỳ thị. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn có tâm lý như tục ngữ Việt Nam “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” nên vẫn yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để xem lại nhân thân, tư cách đạo đức của một người dân có nhu cầu về lao động, việc làm. Mặc dù khi tuyển dụng lao động, doanh nghiệp luôn mong muốn biết rõ tình trạng nhân thân, tư cách đạo đức, có hay không việc đã từng vi phạm pháp luật của người ứng tuyển để cân nhắc, quyết định tuyển dụng và bố trí, sắp xếp người lao động vào vị trí công việc phù hợp trong doanh nghiệp, ở góc độ lợi ích doanh nghiệp thì đây là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không có quyền đi xác minh hoặc yêu cầu các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp dẫn đến họ phải yêu cầu người ứng tuyển cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc làm này không những không phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người đã được xóa án tích mà còn dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử đối với họ.

3. Một số kiến nghị nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Mục tiêu của cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, muốn đạt được mục tiêu này thì chất lượng dịch vụ hành chính công phải được bảo đảm và phải có giải pháp phù hợp xử lý triệt để tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trước mắt, ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về giá trị pháp lý của Phiếu lý lịch tư pháp; nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân của cơ quan, tổ chức đối với các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với tổ chức Công đoàn cùng cấp và các Hiệp hội doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp ở địa phương để đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của doanh nghiệp đối với người lao động.

Thứ ba, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong việc hoàn thiện hồ sơ của lao động Việt Nam trước khi xuất cảnh, bảo đảm thành phần hồ sơ tuân thủ đúng quy định của Luật Lý lịch tư pháp; đồng thời, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước) tăng cường kiểm tra việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp trong hoạt động của loại hình doanh nghiệp này.

Thứ tư, tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài về bảo hộ pháp lý đối với công dân Việt Nam sang học tập, làm việc, du lịch, định cư... ở nước sở tại.

Thứ năm, nâng cao năng lực bộ máy của các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm cho mọi yêu cầu của người dân về cấp Phiếu lý lịch tư pháp được đáp ứng kịp thời, đúng pháp luật.

Thứ sáu, tiếp tục thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp theo Quyết định số 498/QĐ-TTg.

Thứ bảy, sớm nghiên cứu để cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về lý lịch tư pháp, theo đó, thống nhất chỉ sử dụng duy nhất một loại Phiếu lý lịch tư pháp.

                                                                        ThS. Đỗ Thị Hồng Hoa 

                                                         Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia


[1] Chỉ thị số 23/CT-TTg.

[2] Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr. 538.

[3] Báo cáo số 1548/BC-STP ngày 21/8/2024 của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp.

[4] Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, nguồn: https://tapchitoaan.vn/dau-an-cua-he-thong-toa-an-nam-2023%C2%A0va-nhiem-vu-trong-tam-trong-thoi-gian-toi9973.html.

[5]. Công văn số 81/TCTCCTTHC ngày 18/10/2023 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý phản ánh, kiến nghị và thông tin báo chí về quy định, thủ tục hành chính có liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp.

[6] Báo cáo số 218/BC-STP ngày 21/8/22024 của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình.

[7] Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.

Theo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử Copy link

Bình luận bài viết

5.0 (0 đánh giá)
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Chưa có file đính kèm
Đánh giá bài viết

Các bài viết khác

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31/12/2030.
20/12/2024

Đề xuất 4 chính sách phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.
18/12/2024

Đề xuất 14 trường hợp áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Các trường hợp áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt gồm: Gói thầu mua thuốc, vaccine, thiết bị y tế thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ…
18/12/2024

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục bán tài sản công

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
16/12/2024

Đề xuất điều kiện hưởng chế độ ốm đau

Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về chế độ ốm đau của người lao động.
14/12/2024

Tinh gọn bộ máy: Cần có những chế độ, chính sách mang tính cách mạng

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần phải có những chế độ, chính sách mang tính cách mạng nhằm ổn định đời sống của các nhân sự dôi dư; đồng thời duy trì và thu hút những người có năng lực vào bộ máy nhà nước, tránh chảy máu chất xám.
11/12/2024

Tết bao nhiêu ngày, nghỉ hè thế nào cũng báo cáo Thủ tướng thì Bộ trưởng làm gì?

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề: Nghỉ Tết bao nhiêu ngày Bộ trưởng cũng báo cáo Thủ tướng, thi môn gì Bộ trưởng cũng báo cáo Thủ tướng, nghỉ hè thế nào cũng báo cáo Thủ tướng, thế Bộ trưởng làm gì?
07/12/2024

Đề xuất phương án tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tại dự thảo, Bộ đề xuất 2 phương án hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
05/12/2024

Đề xuất chế độ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI nhân viên y tế công lập

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập.
02/12/2024

Đề xuất hồ sơ, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.
25/11/2024

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
25/11/2024

Những điểm mới quan trọng trong dự thảo LUẬT NHÀ GIÁO

Quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo; nhà giáo công lập là viên chức đặc biệt; giao quyền chủ động cho cơ quan quản lý ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; quy định đầy đủ chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo; tăng đãi ngộ đối với nhà giáo;...là những điểm mới cụ thể trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
20/11/2024