Sau khi nghiên cứu hồ sơ và đơn đề nghị hưởng thêm chế độ bệnh binh của thương binh quê Nam Định, Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung đề nghị khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ trưởng trước 30/8.
Thực hiện Luật Tiếp công dân 2013 và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 20/8, tại trụ sở Bộ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp, nghe và giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan các lĩnh vực lao động, người có công.
Là một trong những người đầu tiên được mời vào phòng tiếp dân, ông Nguyễn Minh Liên (quê Bắc Ninh) bất ngờ và vui mừng vì cả 3 lần ông đến Bộ LĐ-TB&XH đều trực tiếp được gặp người đứng đầu ngành lao động tiếp đón chu đáo.
Ông Liên trình bày, ông từng tham gia chiến đấu tại mặt trận B5 (vĩ tuyến 17, tỉnh Quảng Trị), sau đó ông tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 2017, ông mắc bệnh và điều trị bệnh tại Bệnh viện sức khỏe tâm thần tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, ông Liên làm hồ sơ đề nghị Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Tiếp nhận hồ sơ của ông Liên, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh giới thiệu ông đến Hội đồng giám định y khoa tỉnh Bắc Ninh để giám định bệnh tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học để được giải quyết chế độ.
Ngày 1/11/2019, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển hồ sơ giám định của ông Liên đến Hội đồng giám định y khoa Trung ương 1 để được giải quyết theo quy định.
Tuy nhiên, ông Liên không được giám định bệnh tật. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, ông vẫn phải điều trị bệnh tại Bệnh viện sức khỏe tâm thần tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 4/2024, ông tiếp tục gửi hồ sơ lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh đề nghị giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, và nhận được yêu cầu bổ sung một số giấy tờ liên quan.
"Tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ, nhưng đến nay, hồ sơ đề nghị của tôi vẫn bị trì hoãn hơn 4 tháng, không được xem xét giải quyết theo đúng quy định.
Hai lần trước, gặp Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những kiến nghị của tôi đều được giải quyết thấu đáo. Lần này, mong lãnh đạo Bộ xem xét, giúp tôi được đi giám định y khoa, để hưởng chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học", ông Liên kiến nghị.
Về trường hợp của ông Liên, sau khi xem xét hồ sơ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lập tức giao Thanh tra Bộ hướng dẫn công dân gửi đơn, hồ sơ đến Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh để được xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Phấn khởi khi kiến nghị được lãnh đạo Bộ lắng nghe, giải quyết, ông Liên mừng rỡ nói: "Không có Bộ trưởng, có lẽ đời tôi không được đi giám định, để hưởng chế độ".
Bộ trưởng tháo gỡ trăn trở của thương binh
Tiếp thương binh Trần Xuân Trường (quê Nam Định), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bức xúc khi cấp dưới không có câu trả lời cụ thể về việc ông Trường có được hưởng thêm chế độ bệnh binh hay không? Vụ việc kéo dài khiến ông Trường phải nhiều lần lên gặp lãnh đạo Bộ.
Ông Trường cho biết có 20 năm công tác trong ngành công an, năm 1987, ông bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ chống thế lực phản động cách mạng. Kết quả giám định xác định, ông Trường là thương binh hạng 1/4, tỉ lệ thương tật 84,4%.
Sau khi có quy định mới về chính sách đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng theo Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, ông Trường làm đơn đề nghị được hưởng thêm chế độ bệnh binh. Song đến nay, ông vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng về việc ông có được hưởng thêm chế độ bệnh binh hay không?
"Hồ sơ bệnh binh của tôi có đầy đủ giấy tờ. Tôi đến nhiều nơi, đi nhiều lần nhưng không nhận được câu trả lời. Nay gặp Bộ trưởng, tôi mong lãnh đạo Bộ xem xét, trả lời, tôi có đủ điều kiện được hưởng thêm chế độ bệnh binh hay không", ông Trường nói.
Nghe trình bày và xem hồ sơ trường hợp của ông Trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Cục Người có công khẩn trương rà soát hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 30/8.
Người đứng đầu ngành lao động yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực người có công làm rõ việc thương binh Trường có đủ điều kiện được hưởng thêm chế độ bệnh binh hay không, hồ sơ của ông Trường có thể áp dụng trong trường hợp đặc biệt hay không?.