Với việc quy định cụ thể trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) về các loại súng được liệt vào danh mục vũ khí quân dụng, đồng thời phân định rõ theo mục đích sử dụng, tùy theo hành vi và tội danh cụ thể, người sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc “dao có tính sát thương cao” với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì có thể bị xử lý hình sự.
Quy định rõ 3 loại vũ khí quân dụng
Sáng 29/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) với 459/468 tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đạt 94,44%.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về giải thích từ ngữ, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu để giải thích từ “vũ khí quân dụng” tại khoản 2 Điều 3 dự thảo luật bảo đảm đúng nội hàm, tránh trùng lặp và bao hàm đầy đủ các loại vũ khí thực tế đang được trang bị cho lực lượng vũ trang; đồng thời dễ hiểu, dễ phân biệt và không gây vướng mắc trong áp dụng thực hiện trong thực tiễn.
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ, theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm gần đây, đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án nhiều gấp 6 lần về số vụ, 5 lần về số đối tượng so với số vụ, số đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng; nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.
Tuy nhiên, các loại súng này chưa được quy định trong luật hiện hành và cũng chưa có đủ chế tài để xử lý hình sự. Vì vậy, tội phạm đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại súng này.
Với những lý do trên, dự thảo luật đã bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng; đồng thời, phân định rõ theo mục đích sử dụng, theo đó, khi sử dụng các loại súng này vào mục đích săn bắn là súng săn, khi sử dụng vào mục đích luyện tập, thi đấu thể thao là vũ khí thể thao nhằm đảm bảo phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và là cơ sở pháp lý cho các lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh lý khái niệm về vũ khí quân dụng như khoản 2 Điều 2 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định vũ khí quân dụng gồm 3 loại sau: Các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Quốc phòng ban hành; vũ khí khác không thuộc danh mục vũ khí quân dụng, nhưng có khả năng gây sát thương tương tự như súng quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 2 và linh kiện cơ bản để tạo nên các loại súng này; các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Công an ban hành và dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật.
Như vậy, với quy định giải thích từ ngữ “vũ khí quân dụng” như khoản 2 Điều 2 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý, tùy theo hành vi và tội danh cụ thể, người sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc “dao có tính sát thương cao” với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì có thể bị xử lý hình sự về tội danh theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng dao có tính sát thương cao
Dự thảo Chính phủ trình đề nghị bổ sung dao có tính sát thương cao nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng dao có tính sát thương cao.
Để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung khoản 6 Điều 2 giải thích từ ngữ “dao có tính sát thương cao”.