Sau hơn 2 năm, dự kiến ngày 22/7 tới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và những bị cáo liên quan ra xét xử sơ thẩm.
Ngoài ông Trịnh Văn Quyết, 49 bị cáo khác sẽ bị đưa ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Theo cáo buộc, ông Quyết là chủ mưu, người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS); quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch FLC cũng là người chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Cáo trạng cáo buộc, bằng nhiều thủ đoạn, ông Quyết đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan chức năng ghi nhận ông Quyết đã nộp khắc phục gần 190 tỷ đồng.
FLC thay đổi loạt nhân sự cấp cao
Ông Trịnh Văn Quyết sau khi bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam đã được miễn nhiệm ngay từ ngày 29/3/2022, sau 12 năm giữ vị trí (từ 31/3/2010). Ông Đặng Tất Thắng - Phó chủ tịch HĐQT FLC - được bổ nhiệm thay thế ông Quyết.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch Thường trực HĐQT FLC, đồng phạm với ông Quyết - cũng bị miễn nhiệm từ ngày 8/4/2022, sau 8 năm đương nhiệm (từ ngày 4/6/2014).
Tháng 7/2022, FLC họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu bổ sung HĐQT mới, nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau đại hội này, ông Lê Bá Nguyên (anh vợ ông Quyết) được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ông Đặng Tất Thắng, ông Doãn Hữu Đoàn làm Phó chủ tịch HĐQT, bà Bùi Hải Huyền làm Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Tổng giám đốc. Ông Lê Thái Sâm được bầu bổ sung làm Thành viên HĐQT.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2023, ông Đặng Tất Thắng, bà Bùi Hải Huyền không còn là thành viên trong HĐQT FLC. Lúc này, công ty bổ sung thêm 2 nhân sự thay thế là bà Vũ Đặng Hải Yến và bà Trần Thị Hương.
Đến tháng 5 và tháng 8/2023, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm cùng có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT.
Từ ngày 20/2/2024, HĐQT FLC có 5 thành viên, gồm ông Lê Bá Nguyên (Chủ tịch HĐQT), bà Vũ Đặng Hải Yến, bà Trần Thị Hương và 2 thành viên mới là ông Lê Tiến Dũng, Ngô Đặng Hoàng Anh.
Cổ phiếu FLC và "họ" FLC bị hủy niêm yết bắt buộc
Tháng 2/2023, cổ phiếu FLC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc. Tại thời điểm hủy niêm yết, FLC có gần 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành. HoSE nêu lý do hủy niêm yết là tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác trong "họ" FLC như AMD, GAB, ROS, HAI, KLF, ART đều bị hủy niêm yết bắt buộc với cùng lý do "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin".
Tháng 3/2023, FLC có gửi văn bản đến HNX, HoSE về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM. Nhiều công việc sẽ được FLC tiến hành, như phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, công bố báo cáo thường niên năm 2021, phát hành báo cáo bán niên soát xét 2022 dự kiến cuối tháng 10/2023...
FLC đề nghị cơ quan quản lý tạo điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp này có thêm thời gian khắc phục các vấn đề theo lộ trình, đồng thời xem xét cho 710 triệu cổ phiếu được giao dịch bình thường trên sàn UPCoM trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, theo thông báo từ HNX ngày 23/5, cổ phiếu FLC vẫn trong trạng thái: Hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần kể từ ngày cổ phiếu được đưa ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch); Cảnh báo; Đình chỉ giao dịch. Đến nay, công ty vẫn chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022-2023 đã được kiểm toán, chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2023 được soát xét quá 45 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn; chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023...
Là một doanh nghiệp rất ít khi thua lỗ, FLC đã lâm vào tình cảnh âm lợi nhuận 3 quý liên tiếp sau khi ông Quyết bị bắt (tháng 3/2022). Quý I/2022, tập đoàn lỗ hơn 465 tỷ đồng, quý II/2022 lỗ gần 636 tỷ đồng và quý III cùng năm này lỗ 785 tỷ đồng. Tổng 3 quý, công ty lỗ hơn 1.891 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 73,5 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2022, FLC có 5.015 tỷ đồng nợ vay tài chính, trong đó 64% là nợ ngắn hạn.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của FLC. Tuy nhiên sau khi ông Quyết bị bắt, một số dự án của tập đoàn này lâm vào tình trạng bị xem xét thu hồi.
Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì - Giai đoạn 1 (phân khu D, E, F) của FLC tại Phú Thọ bị chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Tại Thanh Hóa, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long do FLC làm chủ đầu tư bị xem xét thu hồi. Tại Thái Bình, tỉnh này thu hồi khu đất rộng hơn 12ha từng được ký giao cho FLC làm dự án bệnh viện. Tại Quảng Ngãi, 4 dự án của Tập đoàn FLC và đối tác ở Khu kinh tế Dung Quất bị thu hồi. Hòa Bình chủ trương chấm dứt dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf của FLC tại huyện Yên Thủy...