Thổi giá, tạo sốt ảo hay thậm chí lừa đảo trục lợi... thị trường bất động sản (BĐS) từng nhiều phen nhiễu loạn bởi chiêu trò của người môi giới.
Khoản phí bất thường ngay giữa phòng thi
Theo Luật Kinh doanh BĐS 2014, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới. Ngoài ra, cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.
Đáng chú ý, Luật Kinh doanh BĐS mới (có hiệu lực từ 1.8.2024) quy định môi giới BĐS bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và các điều kiện liên quan chặt chẽ hơn trước.
Ngay sát thời hạn này, PV Báo Lao Động ghi nhận tình trạng học và thi chứng chỉ môi giới bất động sản diễn ra rầm rộ.
4h sáng 23.6, 3 chiếc xe khách dừng lại ở một điểm đón trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội), hàng trăm người lũ lượt lên xe với điểm đến là Trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Đây là địa điểm sẽ diễn ra kỳ thi cấp chứng chỉ môi giới bất động sản được Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang cùng Viện Đào tạo BĐS Liên Việt - Chi nhánh Công ty Cổ phần Giáo dục Liên Việt (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức.
Trước đó, trong vai một “cò” đất mong muốn có được chứng chỉ môi giới, PV Lao Động đã tham gia khoá học do Viện Đào tạo BĐS Liên Việt tổ chức. Sau quá trình học tập khoảng 1 tháng theo kiểu “cho có” và đóng lệ phí 2 triệu đồng, PV Lao Động cùng các thí sinh khác chính thức bước vào kỳ thi.
6h30 ở sân Trường Đại học Tân Trào, lượng thí sinh đổ về ngày một đông hơn. Lực lượng này theo quan sát cũng vô cùng đa dạng, đủ mọi độ tuổi.
Hỏi chuyện thí sinh sinh năm 1975 về quá trình chuẩn bị cho buổi thi, người này nửa đùa nửa thật: “Tuổi này học thế nào được. Nếu thuộc luật thì đã đi làm luật sư rồi làm cò đất làm gì cho khổ”.
Nhưng vì sao không học được mà vẫn tự tin đi thi? Lúc này PV Lao Động mới được bạn thi lý giải, các thí sinh đến sớm không phải để kịp ôn tập kiến thức mà là để nộp một khoản "phí" trước giờ vào thi.
Theo đó, mỗi thí sinh tham dự sẽ nộp khoản "phí" 200.000 đồng. Khoản phí này được các thí sinh truyền tai nhau là "tiền nước" để quá trình thi diễn ra dễ dàng hơn.
“Tiền ấy là tiền cho giám thị để cho dễ ấy. Mỗi người 200.000 đồng, 100.000 đồng buổi sáng và 100.000 đồng buổi chiều. Chị đóng cho chị áo tím (một thí sinh khác trong phòng thi) kia” - một thí sinh khác nói với PV.
Như một luật ngầm được chấp nhận, cứ thế, các thí sinh đóng tiền khi chỉ còn khoảng 15 phút là chính thức bước vào giờ thi.
Chép “phao” công khai, ngang nhiên gian lận
2 giám thị bước vào phòng thi, gọi tên và số báo danh của từng thí sinh. Đề thi môn đầu tiên có tên Kiến thức cơ sở, quy định thời gian làm bài 90 phút và thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Dù vậy, được dặn dò từ trước, mỗi thí sinh tại đây đã chuẩn bị “phao” thi nhỏ in sẵn mang vào. Nội dung câu hỏi gần như nằm trọn trong tài liệu. Qua vài phút thời gian làm bài, cảnh tượng gian lận bắt đầu diễn ra ngang nhiên và trắng trợn.
Các thí sinh nhớn nhác những câu hỏi như “Câu 3 phần tự luận là câu mấy ở trong phao?” hay có tiếng người còn nhờ xé riêng “phao” để chép cho nhanh.
Và thí sinh mặc sức chép tài liệu trong phòng thi. Quan sát trực tiếp của PV cho thấy, dù gian lận trắng trợn diễn ra, những giám thị coi thi cũng không có bất cứ hành động nào can ngăn hay xử lý theo quy chế.
Tiếp sau đó, buổi thi buổi chiều với môn thi Kiến thức chuyên môn, cảnh tượng gian lận tương tự cũng diễn ra.
Thí sinh ngang nhiên đặt “phao” lên bàn để “soi” đáp án cho dễ hoặc so bài thi cùng nhau để đáp án tránh sai lệch. Càng về cuối buổi, bên trong phòng thi chứng chỉ càng nhốn nháo, lộn xộn...
Có những thí sinh tâm sự dù nửa chữ lý thuyết không biết, kinh nghiệm thực tiễn lại càng không nhưng cũng tự tin qua “kiến thức chuyên môn” khi đã chép xong “phao”.
Sau khi kỳ thi kết thúc, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang. Vị này xác nhận rằng kỳ thi cấp chứng chỉ môi giới BĐS đã diễn ra suôn sẻ, đúng quy chế.
"Chúng tôi làm đương nhiên phải theo quy trình chứ" - ông Hưng nói và cho biết thêm số lượng chứng chỉ cấp trong đợt thi này đang được tổng hợp.
Ngày 23.7, PV tiếp tục liên hệ với ông Phạm Quốc Chương - Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang để sắp xếp buổi phỏng vấn về công tác tổ chức cho kỳ thi này.
Tuy nhiên, ông Chương đã phản hồi lại rằng: "Sở mới làm một lớp nên cũng chưa có nhiều thông tin về nội dung PV quan tâm" và "để tôi trao đổi lại với anh em rồi thông tin lại sau".
Sau đó, PV Báo Lao Động tiếp tục gửi giấy giới thiệu và các nội dung muốn trao đổi, trong đó có câu hỏi: "Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang có phát hiện hay được báo cáo về tình trạng tiêu cực, gian lận, vi phạm quy chế trong kỳ thi này hay không". Hiện Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang chưa phản hồi về những nội dung này.
Công ty Cổ phần Giáo dục Liên Việt, theo giới thiệu, được thành lập vào năm 2016, là đơn vị giáo dục hoạt động trong lĩnh vực đào tạo các khóa nghiệp vụ, giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng sinh viên, giáo viên đến các đối tượng sau đại học, nghiên cứu sinh, thạc sĩ, công chức, viên chức… Công ty này cho biết mỗi năm tiếp nhận hơn 10.000 học viên đăng ký lớp học.
Kỳ thi gian lận mà PV Báo Lao Động ghi nhận phía trên được tổ chức theo Thông báo số 01/TB-HĐT thông báo tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (đợt 1) năm 2024.
Thông báo này nêu tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cho các trường hợp đã nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng và Viện Đào tạo BĐS Liên Việt - Chi nhánh Công ty Cổ phần giáo dục Liên Việt. Chủ tịch Hội đồng thi là ông Trần Việt Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang.
|