Từ 1/7/2025, khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, người lao động cần biết tỷ lệ mức đóng BHXH hàng tháng theo quy định luật mới để đảm bảo quyền lợi lương hưu sau này.
Từ 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, người lao động cần nắm rõ tỷ lệ đóng BHXH hàng tháng theo quy định mới để đảm bảo quyền lợi về sau.
Luật BHXH 2024 quy định rõ tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc gồm: 3% tiền lương vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% tiền lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện là 22% thu nhập vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Dựa trên Luật BHXH mới, tỷ lệ đóng BHXH năm 2025 của doanh nghiệp và người lao động được quy định cụ thể như sau:
Lao động Việt Nam:
Người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí, 3% vào quỹ ốm đau - thai sản, 0,5% vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 3% vào quỹ BHYT. Người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí, 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ BHYT. Như vậy, tổng tỷ lệ đóng BHXH là 32%, trong đó người sử dụng lao động đóng 21,5% và người lao động đóng 10,5%.
Lao động nước ngoài:
Người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí - tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau - thai sản, 0,5% vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và 3% vào quỹ BHYT. Người lao động nước ngoài đóng 8% vào quỹ hưu trí - tử tuất và 1,5% vào quỹ BHYT. Tổng tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc năm 2025 của lao động nước ngoài là 30%, trong đó người sử dụng lao động đóng 20,5% và người lao động đóng 9,5%.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận, có thể đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn là 0,3%.
Cần đóng BHXH sát với thu nhập thực tế
Theo chuyên gia lao động tiền lương, cùng với tỷ lệ đóng BHXH của người lao động được quy định trong Luật BHXH mới, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc quyết định mức lương hưu khi về già của người lao động.
Trường hợp tỷ lệ đóng cao nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp thì sau này khi về hưu mức lương của người lao động cũng sẽ thấp. Do vậy, để đảm bảo mức lương hưu đủ sống khi về già, ngoài thời gian tham gia BHXH dài (nam 35 năm, nữ 30 năm), thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH phải sát với thu nhập thực tế.
“Hiện nay tại nhiều cơ quan đơn vị, mức thu nhập của người lao động từ 20-25 triệu đồng mỗi tháng, nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ bằng một nửa mức thu nhập. Với mức đóng thấp như vậy thì dù tỷ lệ đóng BHXH cao, lương hưu vẫn thấp”, vị chuyên gia nêu thực tế.
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo đề xuất quy định chi tiết hơn về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh tính theo thời gian (theo tháng) của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của Bộ luật Lao động được thỏa thuận trong hợp đồng.
Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương tại điểm nêu trên chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không bao gồm khoản phụ cấp lương phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương tại điểm nêu trên, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương; không bao gồm các khoản bổ sung khác phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng (hiện nay là 2.340.000 đồng).