Phương châm "5 tăng" và " 5 giảm" được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có định hướng giảm tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ nêu rõ năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị với phương châm "5 tăng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Đoàn Bắc).
Đó là: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; Tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.
"5 giảm" được Thủ tướng định hướng gồm: Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; Giảm chi phí giao dịch, hoạt động; Giảm thủ tục hành chính; Giảm phiền hà, sách nhiễu; Giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"….
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh "5 tăng tốc, bứt phá" về số hóa, chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng ngân hàng và phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
"Thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng", Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ yêu cầu.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.
Bộ Tài chính, theo yêu cầu của Thủ tướng, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương được giao khẩn trương xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.
Về phía các địa phương, Thủ tướng quán triệt cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động ngân hàng, nhất là hoạt động tín dụng và các dịch vụ thanh toán.
Song song với đó, chính quyền các địa phương cần ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp; tập trung ngăn chặn nạn tín dụng đen…