Sáng ngày 28/1, tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 9 địa phương để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) với yêu cầu dứt khoát là chậm nhất 30/6 phải hoàn thành dự án.
Lãnh đạo EVN báo cáo về tình hình triển khai dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án gồm 4 dự án thành phần; có tổng chiều dài khoảng 519 km với 1.179 vị trí móng cột; tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh; do Tổng Công ty truyền tải điện (EVNNPT) làm chủ đầu tư.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo EVN, EVNNPT đã báo cáo về tình hình triển khai dự án; lãnh đạo các địa phương cũng báo cáo chi tiết về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, bàn giao mặt bằng về vị trí móng trụ, hành lang tuyến và khẳng định quyết tâm, đưa ra cam kết cụ thể về thời gian hoàn thành.
Hiện nay, việc triển khai dự án còn một số khó khăn, vướng mắc như công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn chậm; một số địa điểm thiếu đường hậu cần, không gian thi công; khó khăn trong lựa chọn phương án thi công, nhất là tại các vị trí có địa hình hiểm trở, phức tạp…
Các cơ quan, địa phương nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan tới chủ trương tác động vào rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; các phương án phối hợp; phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường dây mạch 3…
Quyết tâm của Chính phủ, Thường trực Chính phủ
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm cung ứng điện với yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hiện nay tổng công suất nguồn điện không thiếu (khoảng trên 75.000 MW, trong khi nguồn khả dụng khoảng 50.000 MW), song trong năm 2023 vẫn xảy ra thiếu điện cục bộ, nguyên nhân là do việc điều hành chưa tốt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ sớm, từ xa về tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo; đồng thời triển khai các giải pháp về công tác cán bộ, những cán bộ chưa hoàn thành trách nhiệm bảo đảm cung ứng điện năm 2023, có vi phạm, khuyết điểm đã bị xử lý và đang tiếp tục xử lý theo quy định.
Nêu rõ việc bảo đảm điện gồm 5 khâu: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện; trong đó dự án đường dây 500 kV mạch 3 "lẽ ra phải xây dựng từ nhiều năm trước" nhưng do điều kiện khách quan, chủ quan nên chưa làm, Thủ tướng nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có quy mô tương đối lớn (gần 1 tỷ USD), đi qua nhiều địa phương, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, góp phần không để lặp lại tình trạng thiếu điệu cục bộ năm 2023, nhất là đối với khu vực miền Bắc.
"Đây là lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của toàn dân, không phải việc của riêng ai, nên cùng với các đơn vị chủ công, nòng cốt, thì cả hệ thống chính trị, các bộ, các ngành, các địa phương có dự án đi qua phải vào cuộc, người dân, các tổ chức chính trị - xã hội phải tham gia, từ đó huy động sức mạnh tổng lực để triển khai, bù lại tiến độ, thời gian bị chậm trước đây. Áp lực càng lớn càng phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc, không để ảnh hưởng tới người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Theo Thủ tướng, trước đây, việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 dài khoảng 1.500 km mất khoảng 2 năm (hoàn thành năm 1994). Do đó, đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối dài khoảng hơn 500 km nếu vẫn theo tiến độ của mạch 1 sẽ mất thời gian bằng khoảng 1/3 của 2 năm. Tuy nhiên, với điều kiện tốt hơn hiện nay về kinh nghiệm, công nghệ, trình độ… thì thời gian thi công phải ngắn hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Quyết tâm của Chính phủ, Thường trực Chính phủ là hoàn thành, đưa vào vận hành công trình trong tháng 6 năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu đổi mới cách làm theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan giao ban hàng tháng để kiểm điểm, thúc đẩy tiến độ dự án; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan tới sử dụng đất rừng và sửa đổi Nghị định 156 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, hoàn thành trước Tết Âm lịch.
Phối hợp chặt chẽ, ai làm tốt hơn thì giao người đó làm
Về nhiệm vụ cụ thể, theo Thủ tướng, để xây dựng đường dây, có 5 phần việc cơ bản gồm: (1) Giải phóng mặt bằng; (2) công tác hậu cần, làm đường hậu cần, bảo đảm hành lang tuyến; (3) đào hố, xây dựng móng cột; (4) dựng cột; (5) kéo dây. Nghe ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT báo cáo, Thủ tướng cho rằng hiện trạng là EVNNPT cơ bản đang làm mọi việc và nếu tiếp tục cách làm này thì sẽ khó bảo đảm tiến độ đề ra.
Thủ tướng yêu cầu, cần đổi mới cách làm theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan; đồng thời phân định rõ những việc mà các chủ thể, doanh nghiệp ở địa phương có thể tham gia hoặc hỗ trợ một phần (như giải phóng mặt bằng, tạo không gian thi công, xây dựng đường hậu cần, đào hố móng, đúc móng theo thiết kế); những việc cần chuyên môn cao hơn mà EVNNPT phải đóng vai trò chủ công hoặc làm 100% (như dựng cột, kéo dây).
"Mua nguyên vật liệu ở đâu tốt nhất thì không ai bằng người ở địa phương. Việc đào móng, làm móng không có gì phức tạp thì các doanh nghiệp tại địa phương cũng có thể làm. Việc này còn giúp tạo công việc cho doanh nghiệp, người dân địa phương, đồng thời nâng cao năng lực của doanh nghiệp, người lao động. Có thể chỉ định thầu, miễn là không có tiêu cực, tham nhũng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan huy động tối đa nhân lực, vật lực, trong đó có lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại, thi công "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên lễ, xuyên Tết", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương"; chủ động sẵn sàng ứng phó với những tác động bất thường từ bên ngoài tác động đến quá trình thi công như thời tiết, thiên tai, môi trường…; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh về pháp lý.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tính toán rất kỹ lưỡng, cụ thể từng công việc cần làm. "Giải phóng mặt bằng xong rồi nhưng như tôi đi khảo sát chiều qua, có những nơi bốn phía đều là ruộng lúa của người dân đang đổ ải, vậy thì vận chuyển vật tư, thiết bị… vào khu vực thi công thế nào?", Thủ tướng lấy ví dụ.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng lưu ý EVN, EVNNPT phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, tiến độ với từng công việc cho từng tỉnh để triển khai; xây dựng các trạm biến áp, kéo điện, cấp điện tới các khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị… phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thi công tại khu vực dự án; đền bù thoả đáng đúng pháp luật cho người dân đã nhường đất cho dự án; phát động nhân dân địa phương tham gia các công đoạn, phần việc liên quan như đào hố móng, làm đường hậu cần, công vụ... và góp ý, hiến kế, tạo phong trào thi đua thực hiện dự án.
Thủ tướng lưu ý các cơ quan, địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đi sâu đi sát, nắm rõ tình hình, quan tâm, động viên, chăm lo đời sống công nhân, người lao động trên các công trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Về nguyên vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng quản lý giá cả, đáp ứng kịp thời; địa phương cũng phải vào cuộc trong bảo đảm nguyên vật liệu. Các cơ quan, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân để bà con tiếp tục ủng hộ, tích cực tham gia khi được huy động và hỗ trợ các lực lượng thi công, vì lợi ích quốc gia dân tộc, sự phát triển của mỗi địa phương và vì lợi ích của chính mỗi người dân.
Phân tích một số bài học kinh nghiệm từ dự án, Thủ tướng chỉ rõ tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Thủ tướng hoan nghênh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động thi đua trong triển khai dự án; khẳng định ai làm tốt phải khen thưởng, động viên, ai làm không tốt, vi phạm phải xử lý theo quy định.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, qua thông tin cuộc làm việc và khảo sát hiện trường, trao đổi với lãnh đạo cấp huyện, cấp xã, đang có tinh thần thống nhất rất cao tại các cấp, các ngành, các cơ quan và người dân địa phương trong xây dựng dự án.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thống nhất ý chí, cùng nhau hành động, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phối hợp chặt chẽ, đổi mới tư duy, cách làm, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, xử lý các khó khăn, vượt qua các thách thức, tìm được đầu ra cho các vấn đề cần giải quyết, "việc nào ai làm tốt hơn thì giao người đó làm".
Theo https://vietnamnet.vn/thu-tuong-quyet-tam-hoan-thanh-du-an-500-kv-mach-3-vao-thang-6-2024-2244691.html