Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo, tất cả các sản phẩm thuốc lá mới đều độc hại, có chứa nhiều độc tố khác nhau có thể gây ung thư, tim mạch và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chính là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi mạn tính… đang tăng nhanh chóng, chiếm tới 81% nguyên nhân tử vong và 73% tổng gánh nặng bệnh tật. Kiểm soát yếu tố nguy cơ là biện pháp hiệu quả nhất và cũng là quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát.
Báo cáo của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho thấy, mặc dù đã triển khai biện pháp kiểm soát, nhưng tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, vẫn thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật.
Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp năm lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Việt Nam đã ký tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 11/11/2004. Công ước đã kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa sự bắt đầu, khuyến khích và ủng hộ việc cai nghiện và giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức.
Tại hội thảo công bố kết quả “Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan chức năng và đề xuất biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn thuốc lá, kể cả thuốc lá mới.
Trước mắt là đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Bộ Y tế cũng xây dựng hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.