Lớn lên ở phố cổ Hà Nội, tôi quan sát thấy hầu hết người lớn đều hút thuốc. Nhưng trẻ con thì bị cấm. Nên trong nhận thức của những đứa trẻ, hút thuốc như là dấu hiệu của sự trưởng thành. Thế là bọn trẻ con chúng tôi tìm cách tập hút thuốc. Chúng tôi lấy giấy báo cuốn lại rồi châm lửa hút, cảm thấy mùi nóng khen khét của giấy cháy, rồi cũng thở ra khói, như người lớn. Cao hơn chút, chúng tôi lấy lá đu đủ thái nhỏ thành sợi rồi phơi khô, sợi lá khô trông y như thuốc lá thật, rồi cuốn thành điếu hút.
Thỉnh thoảng có thằng xin được ở đâu mẩu thuốc thì chúng tôi trịnh trọng châm lửa truyền tay nhau mỗi đứa rít một hơi cho biết mùi.
Thuốc lá điện tử là một thiết bị cho phép người dùng có thể hít nicotine dưới dạng hơi thay vì khói (Ảnh minh họa: Canva)
Sau này khi lớn lên, học xong đại học, được phép mua thuốc lá hút mà không sợ ai mắng, thì tôi lại không hút thuốc. Vì trong nhà bố tôi không hút thuốc, nên nếu mình mà hút thì trông thật khó coi, vả lại thuốc lá cũng đắt. Tuy nhiên xung quanh tôi gần như 100% số đàn ông đều hút thuốc. Trong xã hội coi việc mời nhau điếu thuốc là cử chỉ xã giao cơ bản, bắt buộc phải có. Tôi lúc này đã là bác sĩ, ngồi phòng khám cứ liên tục được người bệnh mời hút thuốc. Gần như thành thông lệ, người bệnh trước khi vào khám đã ra cổng mua mấy điếu thuốc lá lẻ, khi vào khám liền đặt lên bàn tôi, mời bác sĩ. Cứ thế hết buổi khám trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi đầy thuốc lá.
Nhiều bác sĩ thì dồn chỗ thuốc lá lẻ này thành bao rồi quay vòng ra cửa bán lại; còn tôi thì chia cho cánh đàn ông trong bệnh viện cùng hút.
Cứ như vậy tôi nghiện thuốc từ lúc nào không hay. Nhưng tôi luôn tự trấn an mình là không bị nghiện đâu, muốn bỏ lúc nào cũng được. Là bác sĩ, tôi biết các tác hại của thuốc lá, muốn bỏ nhưng cứ khất lần. Dần dần tôi phải thừa nhận là mình nghiện thuốc lá thật. Vì chỉ một lúc không hút thì xuất hiện cảm giác thèm, nếu cố dùng nghị lực không hút thì cảm giác bứt rứt khó chịu tăng lên.
Và khi được hút, thì một cảm giác sảng khoái dễ chịu tràn ngập toàn thân. Tôi dần dần nhận ra thuốc lá đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của mình, khi vui khi buồn đều có thôi thúc hút một điếu thuốc. Khi suy nghĩ căng thẳng cũng có nhu cầu hút một điếu. Bữa ăn ngon miệng cũng muốn tự thưởng cho mình một điếu. Nghiện thật sự rồi.
Các nhà khoa học biết rằng chất gây nghiện trong thuốc lá là nicotine. Nicotine là một hóa chất có tác dụng phức tạp trên hệ thần kinh và nội tiết. Nhìn chung ở liều thấp gây tăng nhịp tim, tăng hô hấp, gây sảng khoái, ở liều cao gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy toát mồ hôi, đau đầu chóng mặt, rối loạn chức năng nhìn, nghe, rối loạn tâm thần, khó thở, trụy tim mạch. Do có tác dụng trên hệ thần kinh nên nicotine là chất gây nghiện mạnh. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho rằng chất nicotine làm việc hút thuốc lá trở thành một trong những thói quen khó bỏ nhất. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy việc giảm lượng nicotine trong thuốc lá cũng làm giảm mức độ nghiện. Độc hại của thuốc lá còn đến từ việc đốt cháy sợi thuốc lá sinh ra khói. Người ta đã xác định có 7.000 hợp chất có hại có trong khói thuốc lá, trong đó có 70 chất gây ung thư.
Hút thuốc lá gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Nguy hiểm nhất, hút thuốc lá có thể có mối quan hệ với ung thư và các bệnh về hô hấp, tim mạch, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thiếu máu cơ tim... Những nguy cơ này tăng lên theo thời gian hút thuốc, thời gian nghiện thuốc càng kéo dài thì nguy cơ bệnh càng cao. Khi ngưng hút thuốc thì thời gian cơ thể phục hồi diễn ra khá chậm, thường thì sau khi bỏ thuốc 10 - 15 năm thì nguy cơ bệnh mới về bằng mức người không hút thuốc. Vì thế nguyên tắc lớn nhất của bỏ thuốc lá là bỏ ngay, bỏ dứt khoát thì mới được hưởng lợi về sức khỏe.
Tuy có nhận thức rõ ràng như vậy về thuốc lá, nhưng tôi bỏ thuốc rất khó khăn. Thường chỉ được một thời gian ngắn là lại hút lại. Cái cảm giác đói chất nicotine thôi thúc, làm mềm đi ý chí cai nghiện. Rồi cái cảm giác ngồi uống cà phê thiếu hơi thuốc là cà phê trở nên nhạt nhẽo. Cảm giác thiếu thốn một cái gì đó cộng hưởng khi buồn khi vui. Thế rồi từ từ mình lại hút lại, lúc đầu tự hứa chỉ vài điếu mỗi ngày rồi rất nhanh lên tới cả bao thuốc mỗi ngày. Bao nhiêu lần tự hứa với bản thân là quyết tâm bỏ thuốc rồi lại bấy nhiều lần thất hứa, tự mình đánh mất nhân cách của mình. Cứ thế hơn 20 năm tôi không bỏ được thuốc lá.
Thế rồi vào đúng một ngày đầu năm cách đây hơn chục năm, tôi đang trực trong bệnh viện, thì tự nhiên ho và khạc ra một vệt máu nhỏ. Tôi sững người. Chết rồi, có lẽ nào mình bị ung thư phổi? Như có một luồng điện giật. Chỉ trong tích tắc các luồng suy nghĩ nhảy múa trong đầu: nếu mình mà chết bây giờ thì ai nuôi các con. Chỉ một ý nghĩ đó đã khiến tôi chết lặng, tôi thấy mình sống quá ích kỷ. Và tôi quyết định ngay lúc đó, phải bỏ thuốc lá, tính ngay từ ngay hôm nay.
Sau đó tôi đếm từng ngày đã không hút lại thuốc. Đã 3 ngày trôi qua, rồi 1 tuần trôi qua, rồi 2 tuần trôi qua, tôi không hút dù chỉ một hơi. Khi thời gian không hút càng kéo dài thì càng giúp tôi có thêm nghị lực không hút lại thuốc. Vì nếu hút lại dù chỉ một điếu, thì cái mốc thành tích kia ngay lập tức trở về số không. Vì tiếc cái thời gian đã cai được thuốc nên giúp tôi có nghị lực tránh xa điếu thuốc.
Khoảng thời gian mới cai khó nhất là 2 tuần lễ đầu tiên, cảm giác thiếu thốn rất rõ rệt. Sau đó thì dịu dần đi, và khi được 1 tháng thì hết cảm giác thèm thuốc. Khi tôi đạt mốc thời gian 1 năm thì tôi biết là mình đã cai nghiện thành công. Tôi hoàn toàn không còn thấy thèm thuốc, cho dù có đi uống cà phê với những người đang hút thuốc lá. Thỉnh thoảng vui, lại có người khích bác, hút thử một điếu đi xem sao, tôi dứt khoát không hút lại dù chỉ một hơi, vì tôi đã tự hứa với mình khi hút lại dù chỉ một hơi thì thời gian cai nghiện của tôi sẽ lại bắt đầu từ con số không. Chính cái cảm giác tiếc thời gian đã cai được thuốc đã giúp tôi không bị "sa ngã".
Đến nay tôi đã không hút thuốc lá đã trên 10 năm. Các dấu hiệu xấu về tim mạch và hô hấp xưa kia đã biến mất từ lúc nào không hay. Năm nào tôi cũng chụp phổi kiểm tra, thì trộm vía, hai phổi sáng đều, không có khối u nào. Tôi vui sống, khỏe mạnh và làm việc, chứng kiến các con lớn lên từng ngày. Tôi thuộc trường phái "tham sống sợ chết", được sống đối với tôi, là một hạnh phúc không gì sánh bằng.
Từ kinh nghiệm cai nghiện thuốc lá thành công, tôi thấy nên là dừng hút ngay lập tức, dứt khoát không hút lại dù chỉ một lần. Các biện pháp cai nghiện như giảm hút dần, dùng miếng dán nicotine, ngậm kẹo nicotine, thuốc lá điện tử… trên lý thuyết thì giúp giảm dần sự phụ thuộc vào nicotine, từ đó sẽ cai nghiện dễ dàng hơn, nhưng thực ra lại có tác dụng xấu về tâm lý, tạo ra thói quen trì hoãn, rút cuộc sẽ thất bại.
Trở lại với cuộc tranh luận về cấm hay không cấm dùng thuốc lá điện tử. Về lý thuyết thì thuốc lá điện tử cung cấp cho người nghiện thuốc lá một lượng nicotine mà không phải đốt cháy sợi thuốc, từ đó ít độc hại hơn thuốc lá. Nhưng thực tế thì thuốc lá điện tử cũng có nhiều độc hại như đại diện Bộ Y tế đã nêu, và tạo ra sự trì hoãn trong cai nghiện thuốc lá. Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử đang tạo ra một lớp người hút thuốc mới trong giới trẻ, coi đây như một sự sành điệu. Vì vậy tôi ủng hộ chủ trương của Bộ Y tế là cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử tiến tới hạn chế triệt để tác hại của thuốc lá sợi.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân. |