Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương trên cơ sở nguyên tắc phân quyền, hạn chế quy định phân cấp; quy định nhiệm vụ của UBND các cấp theo hướng giảm bớt nhiệm vụ của tập thể UBND, tăng cường nhiệm vụ của Chủ tịch UBND.
Bộ Nội vụ đang dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Trong đó, dự kiến đề xuất 6 nhóm chính sách gồm:
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương.
Chính sách 2: Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trên nguyên tắc ''chính quyền địa phương cấp nào giải quyết sát thực tiễn, hiệu quả hơn thì giao chính quyền địa phương cấp đó thực hiện''; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền.
Chính sách 3: Hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh cơ chế liên kết vùng.
Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp.
Chính sách 5: Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp.
Chính sách 6: Hoàn thiện quy định về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC.
Đáp ứng yêu cầu của quản trị quốc gia, quản trị địa phương trong tình hình mới
Theo Bộ Nội vụ, mục tiêu chung xây dựng chính sách nêu trên nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; tiếp tục sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với các Luật về tổ chức bộ máy: Tổ chức chính phủ, Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm soát nhân dân; các luật có liên quan quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương.
Đáp ứng yêu cầu của quản trị quốc gia, quản trị địa phương trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu bộ máy chính quyền địa phương phải tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế phối hợp chặt chẽ; phát huy sự tham gia của các chủ thể trong quản trị địa phương, đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của chính quyền địa phương gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc từ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và xuất phát từ thực tiễn triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong gần 10 năm qua.
Quy định rõ việc phân định thẩm quyền và phân quyền, phân cấp, ủy quyền
Về mục tiêu cụ thể của chính sách, quy định rõ việc phân định thẩm quyền và phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương.
Phân định rõ sự khác biệt về mô hình tổ chức, bộ máy, nhân sự giữa chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương. Thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị trong cả nước.
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương trên cơ sở nguyên tắc phân quyền, hạn chế quy định phân cấp; quy định nhiệm vụ của UBND các cấp theo hướng giảm bớt nhiệm vụ của tập thể UBND, tăng cường nhiệm vụ của Chủ tịch UBND nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương.
Tăng cường liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo lợi thế cạnh tranh, động lực phát triển cho vùng thông qua việc kết nối về không gian kinh tế - tự nhiên - văn hóa - xã hội giữa các địa phương trong vùng.
Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, tạo không gian phát triển, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.