Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ cho biết, đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó, trong đó có sửa đổi tiêu chí xác định số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Quy định về số lượng cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp
Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo văn bản số 48/BDN ngày 24/01/2024 về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định “Đơn vị quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1, khoản 3, điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định này được bố trí không quá 02 cấp phó”.
Điều này có nghĩa là tất cả các trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không phân biệt trường, số lớp đều chỉ có 02 cấp phó.
Cử tri cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn nên đề nghị điều chỉnh số lượng cấp phó theo hạng trường.
Cử tri cũng đề nghị nghiên cứu điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng.
Đang nghiên cứu sửa đổi tiêu chí xác định số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập
Trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi về các kiến nghị trên, tại Công văn số 1017/BNV-TCBC ngày 28/02/2024, Bộ Nội vụ cho biết: Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị trước khi ban hành các quy định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó có quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm quản lý chặt chẽ số lượng cấp phó.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương về số lượng cấp phó đối với một số tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất đặc thù (trong đó có lĩnh vực giáo dục phổ thông công lập) và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 5815/VPCP-TCCV ngày 06/9/2022 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó, trong đó có sửa đổi tiêu chí xác định số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập để trình Chính phủ ban hành theo quy định.
Sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường
Về y tế học đường, Bộ Nội vụ nêu rõ: Nhiệm vụ của vị trí việc làm y tế học đường cơ bản là tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe bảo đảm vệ sinh trường học và an toàn thực phẩm thống kê báo cáo và đánh giá về công tác y tế trường học.
Theo đó, căn cứ vào tính chất, yêu cầu, khối lượng công việc của vị trí việc làm này thì có thể ký hợp đồng lao động hoặc thuê đơn vị cung ứng dịch vụ y tế tại trường học để thực hiện xã hội hóa và tạo sự chủ động cho từng cơ sở giáo dục - đào tạo công lập nhằm giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị.
Tuy nhiên, trước mắt để bảo đảm ổn định về tổ chức và chế độ, chính sách cho đội ngũ viên chức làm nhiệm vụ về y tế học đường, Bộ Nội vụ ghi nhận nội dung kiến nghị nêu trên và sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phù hợp./.