Ngày 30/6/2025, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024”. Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và đồng chí Nguyễn Tấn Cường, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và trực tuyến tại hơn 300 điểm cầu trên cả nước gồm lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Sở Tư pháp, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, đấu giá, các cơ sở đào tạo luật…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Thế Côn nhấn mạnh, Luật Công chứng năm 2024 được xây dựng theo tinh thần tư duy lập pháp mới. So với Luật Công chứng năm 2014 gồm 10 chương, 81 điều, Luật Công chứng năm 2024 chỉ còn 08 chương, 76 điều, giảm 02 chương và 05 điều, nhiều quy định được cụ thể, chi tiết tại các nghị định hướng dẫn thi hành, đặc biệt về các thủ tục hành chính.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo.
Để triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024, ngày 03/01/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 12/QĐ-BTP về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024. Theo đó, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đượcgiao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng ấn phẩm triển khai thi hành Luật Công chứng và tổ chức các hội thảo, tọa đàm để tổ chức triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024. Đối với ấn phẩm này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bổ trợ tư pháp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, công chứng viên có uy tín, kinh nghiệm, năng lực hàng đầu để xây dựng ấn phẩm. Ấn phẩm đang được thực hiện và dự kiến phát hành vào tháng 7/2025 góp phần kịp thời thực hiện triển khai, đưa vào áp dụng quy định đối với các Sở Tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên.
ác đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp tại điểm cầu Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết, Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực vào ngày 01/7/2025, cũng là ngày tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (cấp tỉnh, cấp xã) chính thức đi vào hoạt động, điều đó đặt ra nhiều yêu cầu, điều kiện đối với các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trong quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024. Ngoài các đại biểu tham dự trực tiếp, Hội thảo "Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024" đã thu hút tham dự trực tuyến của hơn 300 điểm cầu trên cả nước, thể hiện sức “nóng” của Hội thảo cũng như vấn đề triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Tấn Cường, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tấn Cường, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp bày tỏ cảm ơn Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đồng hành trong quá trình triển khai Luật Công chứng năm 2024. Phó Cục trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đã kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025; ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BTP ngày 15/5/2025 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng và Thông tư số 06/2025/TT-BTP ngày 15/5/2025 quy định về tập sự hành nghề công chứng và đều có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, trong đó có phân cấp về bổ nhiệm công chứng viên. Hiện nay, cả nước có 3.400 công chứng viên với 1.469 tổ chức hành nghề công chứng. Từ sau ngày 01/7/2025, thực hiện chủ trương chung sáp nhập các địa phương, các hội công chứng viên cũng có sáp nhập.
Hình ảnh các điểm cầu trên phần mềm họp trực tuyến.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phát biểu ý kiến, trong đó tập trung vào 03 nội dung quan trọng: (i) Nhận diện những vấn đề cần phải thực hiện để triển khai hiệu quả Luật Công chứng năm 2024 đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay; (ii) Nhận diện những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai Luật Công chứng năm 2024 và giải pháp khắc phục; (iii) Trao đổi, thảo luận về kỹ năng, nghiệp vụ của công chứng viên liên quan đến các quy định của Luật Công chứng năm 2024 (về quy trình, thủ tục công chứng, phạm vi công chứng, công chứng điện tử, xây dựng các cơ sở hành nghề công chứng…).