Khi xét xử vụ việc tiêu cực trong ngành đăng kiểm sẽ khiến 91 trung tâm kiểm định phải dừng hoạt động, Bộ GTVT lo ngại 36 địa phương có nguy cơ xảy ra ùn tắc đăng kiểm.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, từ cuối tháng 6/2023 đến nay, không còn tình trạng ùn tắc đăng kiểm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thực tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo từ quý 3 - 4 năm nay, một số địa phương có nguy cơ bị ùn tắc. Đặc biệt, tại Hà Nội và TPHCM đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện cục bộ ở một số thời điểm và có xu hướng tăng.
Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do thiếu hụt nhân sự kiểm định, liên quan tới việc xử lý tiêu cực trong ngành đăng kiểm.
Theo quy định tại điểm c, khoản 16, điều 1, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, trường hợp đăng kiểm viên “bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới” thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt đăng kiểm viên trầm trọng trên cả nước.
Hơn nữa, quá trình xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm định đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Cụ thể, tại điểm b, khoản 4, điều 38, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định: “Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ 1 - 3 tháng”.
36 địa phương có nguy cơ ùn tắc
Đại diện Bộ GTVT cho biết, sự việc xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm thời gian qua là chưa có tiền lệ. Nhiều trung tâm đăng kiểm đã bị dừng hoạt động trong khoảng thời gian dài liên tục (trên 12 tháng) do nhiều nguyên nhân như thiếu nhân sự, sửa chữa khắc phục cơ sở vật chất, di chuyển địa điểm, giải quyết thủ tục đất đai, phòng cháy chữa cháy… chứ không phải do sai phạm dẫn đến bị tạm đình chỉ.
"Theo quy định hiện hành thì buộc phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và chỉ được xem xét cấp lại sau 36 tháng kể từ ngày bị thu hồi, dẫn đến thiếu hụt các đơn vị đăng kiểm.
Ngoài ra, trong thực tiễn triển khai phát sinh một số bất cập nhưng chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đối với việc thay đổi chủ sở hữu đơn vị đăng kiểm, thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm…", đại diện Bộ GTVT thông tin.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thống kê mới nhất cho thấy đã có 42 tỉnh, thành với 112 trung tâm đăng kiểm có các đăng kiểm viên bị khởi tố.
“Tình hình này sẽ khiến 91 trung tâm đăng kiểm tại 32 địa phương phải dừng hoạt động theo quy định tại khoản 10, điều 1, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.
Nghị định này quy định trường hợp trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục thì phải dừng hoạt động.
Điều này dẫn đến khả năng cả nước có tới 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc đăng kiểm. Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm nào để hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình.
Việc này sẽ ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến ùn tắc tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên là rất lớn”, ông Nguyễn Tô An thông tin.
Trước tình thế cấp bách, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo trình tự, thủ tục rút gọn.