Luật Bảo hiểm xã hội gồm 11 chương, 141 điều sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật là bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; sửa đổi căn bản vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội…
Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 đã kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi những quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, những sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ bảo hiểm xã hội lần này phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Tại buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, thông tin về các điểm mới, quan trọng, cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết:
Luật Bảo hiểm xã hội có những điểm mới, trọng tâm liên quan đến bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội; quy định “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”...
“Đặc biệt, Luật Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện nay là 80 tuổi). Riêng với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Cùng với đó, bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản; bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng góp của mình. |
Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng góp của mình. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế”-Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Một điểm mới quan trọng nữa, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, người lao động đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025 và sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế; được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Thông tin thêm về quy định nhận bảo hiểm xã hội một lần, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang cho biết, nội dung liên quan hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được đại biểu Quốc hội biểu quyết riêng khi thông qua luật. Nội dung này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội và chủ trương của Ban soạn thảo, Chính phủ khi trình Quốc hội là gia tăng bảo vệ, tăng quyền và lợi ích nhằm bảo đảm người lao động được thụ hưởng chế độ hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần và tôn trọng quyền của người lao động.
Theo đó, Luật quy định những người tham gia bảo hiểm xã hội trước 1/7/2025 (khoảng 18 triệu người) hoàn toàn có quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần. Với những người tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/7/2025 vẫn có quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng trong 4 trường hợp gồm: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư; đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng. Như vậy, không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia sau thời điểm 1/7/2025.