Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) phải tạo “điểm tựa” vững chắc để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”

Thể chế được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và cải cách thể chế là yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, được ví như “xương sống”, là “luật của luật” trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là tiền đề để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng, vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi phải phù hợp với chủ trương của Đảng

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là một bước cụ thể hóa rất quan trọng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Một trong ba vấn đề trọng tâm được Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, với nội dung cụ thể: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật… Đề cao và coi trọng đạo luật, đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Xác định đúng, rõ các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng hình thức pháp lệnh; luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật”.

Ngày 29/7/2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 tiếp tục xác định: “Hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, chú ý quy định rõ trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật”.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đó xác định: “Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”. Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, giao Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan, tổ chức chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án, cụ thể hóa vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm, trong đó rà soát, nghiên cứu sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cũng chỉ rõ “… siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”.

Tiếp theo đó, Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã khẳng định: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững”, đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả (hoàn thành trong năm 2024).

Điều 17 Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đã giao: “Đảng đoàn Quốc hội, các Ban cán sự Đảng, Chính phủ, Tòa án nhân dân trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình chỉ đạo rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 178-QĐ/TW; thường xuyên chỉ đạo rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật nhằm phát hiện sơ sở, bất cập có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung”.

Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp[1], chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội[2], Thủ tướng Chính phủ[3] về việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đề ra nhiệm vụ cần khẩn trương sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 03/01/2025, Bộ chính trị đã cho ý kiến đối với Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả do Đảng đoàn Quốc hội trình. Ngày 06/01/2025, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 12918-CV/VPTW (văn bản kèm theo) về việc đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và ngày 14/01/2025, có Công văn số 13078-CV/VPTW, trong đó nêu 06 nội dung cụ thể: (i) về chủ thể quyết định Chương trình lập pháp hằng năm: lựa chọn phương án 2, chuyển thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hằng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án này trên cơ sở phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế của các phương án khác nêu trong Đề án; (ii) bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Chính phủ và cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do mình trình (cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự án luật, báo cáo Quốc hội thông qua hoặc không thông qua); (iv) tách quy trình chính sách khỏi quy trình lập Chương trình lập pháp; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo. Chính phủ quyết định chính sách, Quốc hội quyết định dự thảo luật; (v) tăng cường xây dựng các đạo luật đa ngành, đạo luật ngắn gọn, giải quyết vấn đề cụ thể của thực tiễn như kinh nghiệm một số nước trên thế giới; (vi) quy định rõ Bộ Chính trị cho ý kiến đối với chính sách trong đề nghị xây dựng một số dự án luật lớn, quan trọng; cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn, quan trọng còn có ý kiến khác nhau của một số dự án luật trong quá trình soạn thảo.

Khẩn trương sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Trên thực tế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2020 (sau đây gọi là Luật năm 2015). Qua gần 10 năm thi hành Luật năm 2015, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn thi hành Luật năm 2015 cho thấy một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ tại Thông báo số 108-TB/TW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng: (i) một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao; (ii) chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tính ổn định và khả năng dự báo của một số luật còn chưa cao nên thường xuyên phải sửa đổi; (iii) một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trợ việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; (iv) chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa tạo được môi trường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội; việc ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được động lực tăng trưởng, chưa thích ứng và theo kịp những thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (v) việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, việc cắt giảm thủ tục hành chính còn hạn chế; (vi) tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa có cơ chế hữu hiệu để nhận diện, phản ứng chính sách kịp thời..., chưa có sự gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các quy định của Luật năm 2015 và từ tổ chức thi hành Luật, cụ thể:

Thứ nhất, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý trường hợp cấp bách, đột xuất. Quy trình chính sách lồng ghép trong quy trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; chính sách chưa được coi trọng đúng mức, còn chung chung, thiếu cụ thể; đánh giá tác động còn chưa thực chất. Còn nhiều hình thức với nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, nhất là về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa nghiêm; người đứng đầu một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa quan tâm đầy đủ tới công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, chưa đủ cơ chế linh hoạt để Chính phủ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; phản ứng chính sách hoặc xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn (như tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu …).

Thứ tư, các quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, cụ thể; tản mát, thiếu đồng bộ; điều kiện bảo đảm cho tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế.

Thứ năm, đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí, định mức phân bổ cho công tác xây dựng pháp luật còn thấp, không đủ thực hiện các bước trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như xây dựng và đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế.

Thứ sáu, một số chủ trương, đường lối của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ.

Xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết.

Xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luậtkhơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới

Một là, xây dựng dự án Luật bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật; thể chế hóa kịp thời, đúng, đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó, đặt ra yêu cầu: (i) đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành; (ii) việc xây dựng chương trình xây dựng pháp luật hằng năm phải đơn giản, linh hoạt và trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới; (iii) đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, trong đó cần phân định rõ quy trình xây dựng chính sách và quy phạm hóa chính sách; chính sách phải cụ thể, rõ ràng; đánh giá tác động phải thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của đối tượng chịu sự tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và quy định của pháp luật; nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất; quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (iv) phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật; trong xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động, hướng lái pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

Hai là, bám sát, thể hiện đầy đủ quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, nhất là cơ chế kiểm soát, phân công, phối hợp thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm tính pháp quyền trong xây dựng, thi hành pháp luật; về thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, lập quy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương trong phạm vi phân cấp; về phát huy dân chủ, tăng cường vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng, thi hành pháp luật.

Ba là, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là quy định của các luật về tổ chức như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Bốn là, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực gắn với vai trò, trách nhiệm của các chủ thể; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn, đặc biệt là Chính phủ. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan trong hoạt động thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu đổi mới các khâu mang tính quyết định đến chất lượng và tiến độ xây dựng pháp luật, bảo đảm khoa học, kịp thời, hiệu quả, khả thi. Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ nhưng có tính linh hoạt nhất định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn kết hợp hiệu lực áp dụng trực tiếp.

Năm là, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng pháp luật, tiếp tục phát huy, bảo đảm dân chủ trên cơ sở tăng cường thu hút sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; bổ sung yêu cầu về truyền thông, đổi mới hình thức, phương thức lấy ý kiến; bảo đảm đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật với tính chất là nguồn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Bảo đảm gắn kết giữa công tác xây dựng với tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sáu là, bảo đảm tôn trọng pháp luật quốc tế; tính tương thích, nội luật hóa đầy đủ, kịp thời các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; kịp thời thích ứng với những biến chuyển nhanh trong hội nhập quốc tế; bảo đảm vừa phù hợp và phát huy lợi thế, thế mạnh trong nước vừa hài hòa, tương thích với các tiêu chuẩn chung của pháp luật quốc tế.

Định hướng xây dựng và bố cục dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng: (i) chỉ quy định cụ thể trong dự thảo Luật này trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (ii) giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương; (iii) đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch, Luật hiện hành quy định trình tự, thủ tục ngắn gọn, quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn và do vậy, dự thảo Luật kế thừa và quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành các loại văn bản này trong Luật để áp dụng trực tiếp mà không cần thiết phải giao quy định chi tiết.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật bố cục thành gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), cụ thể:

Chương I. Những quy định chung (gồm 09 điều, từ Điều 01 - 09). Chương này cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương I của Luật hiện hành, đồng thời, chuyển quy định một số nội dung Chương XIII của Luật hiện hành lên Chương này.

Chương II. Thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật (gồm 13 điều, từ Điều 10 - 22). Chương này cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước), bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã.

Chương III. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm 4 mục, 21 điều: Mục 1 - Định hướng lập pháp nhiệm kỳ và chương trình lập pháp hằng năm, gồm 04 điều, từ Điều 23 - 26; Mục 2 - xây dựng chính sách, gồm 06 điều, từ Điều 27 - 32; Mục 3 - soạn thảo, thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 04 điều, từ Điều 33 - 36; Mục 4 - thẩm tra, thông qua, công bố luật, pháp lệnh, nghị quyết, gồm 07 điều, từ Điều 37 - 43). Chương này đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về định hướng lập pháp nhiệm kỳ và chương trình lập pháp hàng năm của Quốc hội, quy định xây dựng, đánh giá tác động chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và cho ý kiến dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Chương IV. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác (gồm 06 điều, từ Điều 44 - 49). Chương này quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành. Đối với việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn lại, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định.

Chương V. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (gồm 03 điều, từ Điều 50 - 52), cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung về trường hợp, thẩm quyền quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, bổ sung quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt.

Chương VI. Hiệu lực và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (gồm 07 điều từ Điều 52 - 58). Chương này cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương XIII của Luật hiện hành.

Chương VII. Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (gồm 08 điều, từ Điều 59 - 66). Chương này được thiết kế đưa các quy định tại Chương XIV, XV và XVI của Luật hiện hành về giám sát, kiểm tra, xử lý, hợp nhất, pháp điển và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Chương VIII. Trách nhiệm và nguồn lực thi hành (gồm 06 điều từ Điều 67 - 72), quy định về trách nhiệm, bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thời điểm có hiệu lực của Luật.

Thực hiện Nghị quyết số 59/2024/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 65/2025/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Mặc dù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật hiện hành.

Ngày 20/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP trong đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung cơ bản của dự thảo Luật và giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 18/01/2025 và Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 20/01/2025, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật và thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký trình Quốc hội dự án Luật.

 Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 02/2025./.

Vinh Nguyễn

Ảnh: internet


[1] Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.

[2] Văn bản số 15/CTQH ngày 29/10/2024 về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật đã đặt ra là các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm soạn thảo, trình, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, thẩm tra, tiếp thu hoàn thiện các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua….

[3] Văn bản số 868/TTg-TKBT ngày 25/10/2024 về việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó nêu rõ: “… chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”,… “đối mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, ... vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẹn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật”…

Theo Tạp chí Dân chủ & Pháp luật Copy link

Bình luận bài viết

5.0 (0 đánh giá)
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Chưa có file đính kèm
Đánh giá bài viết

Các bài viết khác

Khởi tố cán bộ trung tâm quỹ đất đánh người sau va chạm giao thông

VKSND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Văn - cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
05/02/2025

Đất vườn để xây nhà thờ họ có được cấp sổ đỏ?

Theo Luật Đất đai, nhà thờ họ thuộc đất tín ngưỡng và việc sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
03/02/2025

Đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, tạo đà phát triển nhà ở xã hội và thị trường bất động sản

Trong năm 2025, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cải cách thể chế, đưa các chính sách pháp luật mới đi vào cuộc sống, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nhà ở xã hội và phát triển an toàn, ổn định, bền vững thị trường bất động sản nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngành Xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
24/01/2025

Bảo hiểm xe máy thu 431 tỷ, bồi thường gần 42 tỷ: Bộ nêu lý do vẫn bắt buộc mua

Theo Bộ Tài chính, mô tô, xe máy vẫn là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam; thời gian tới sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
20/01/2025

Thưởng Tết bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân, sau này có được hoàn?

Nhiều người lao động băn khoăn khi tiền thưởng Tết thực nhận bị hụt 10% so mức ký nhận với lý do trừ tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thực ra đây chỉ là tạm khấu trừ, khi nào quyết toán thuế cả năm, nếu không thuộc diện chịu thuế sẽ được hoàn thuế.
20/01/2025

Tài khoản ETC hết tiền mà đi vào làn thu phí, tài xế bị phạt tới 3 triệu đồng

Theo quy định mới, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với tài xế không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng điều khiển xe đi vào làn đường dành riêng thu phí.
16/01/2025

Quy định sang đường, người đi bộ cần biết

Từ 1/1/2025, người đi bộ qua đường không đúng quy định, trong đó có việc không ra tín hiệu bằng tay khi cần thiết, sẽ bị phạt tiền.
15/01/2025

Hà Nội: UBND Thị trấn Quang Minh (Mê Linh) phát động phong trào thi đua “Sáng – Xanh - Sạch – Đẹp”

Sáng ngày 11/01/2025, Đảng ủy – HĐND - UBND và Ủy ban MTTQ thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ phát động ra quân triển khai thực hiện tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn.
11/01/2025

Luật Đất đai 2024: Đất nằm trong quy hoạch có được xây dựng nhà ở không?

Theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, việc xây dựng nhà ở trên đất nằm trong quy hoạch sẽ được quản lý chặt chẽ theo tình trạng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cụ thể.
09/01/2025

Đèn đỏ bật sáng nhưng CSGT cho đi, tài xế có bị phạt nguội?

Sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, mức phạt với hành vi vượt đèn đỏ tăng cao, nhiều người bày tỏ băn khoăn với các tình huống có thể nảy sinh trong khi tham giao thông.
08/01/2025

Chỉ kiểm định xe đã gỡ cảnh báo phạt nguội trên dữ liệu của cảnh sát

Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị chỉ kiểm định cho phương tiện cập nhật trạng thái “đã xử phạt” các vi phạm trên phần mềm của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
07/01/2025

Công bố Quy hoạch chung Tà Xùa - Kỳ vọng đổi đời của đồng bào H'Mông Tây Bắc

Ngày 3/1/2025, tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ công bố Quy hoạch chung du lịch Tà Xùa - dự án quy hoạch đầu tiên ở độ cao 1.600m được thực hiện bởi người Việt Nam. Lễ công bố có sự tham gia của Đại diện Viện Khoa học Chính sách & Pháp luật. Quy hoạch do Sở Xây Dựng tỉnh Sơn La chủ trì, kết hợp cùng các đơn vị tư vấn để quy hoạch chung cho du lịch Tà Xùa.
03/01/2025