Sau khi phát hiện nhiều hạn chế, thiết sót trong công tác quản lý tài chính và tài sản Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đang bắt đầu thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm).
Nhiều sai sót trong đầu tư, đấu thầu
Ngày 12.7, theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đang bắt đầu thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016-2022 tại Viện Hàn lâm (từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2022, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ nêu trên).
Theo tìm hiểu của Lao Động, đây là đợt thanh tra tiếp theo của Thanh tra Chính phủ tại Viện Hàn lâm. Trước đó Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra trách nhiệm trong quản lý tài chính, tài sản Nhà nước giao giai đoạn 2011-2015 tại Viện Hàn lâm.
Thông báo kết luận thanh tra được Thanh tra Chính phủ ban hành sau đó chỉ ra Viện Hàn lâm, 8 đơn vị trực thuộc và các tổ chức, cá nhân liên quan có nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư như giao chủ đầu tư không có chức năng chuyên môn và không có đủ cán bộ có năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng trực tiếp quản lý dự án, không đảm bảo quy định tại các Nghị định 12, Nghị định 83 của Chính phủ.
Để Viện Nghiên cứu hệ gen tự thực hiện công tác lập dự án khi không đủ tư cách pháp nhân (không được cấp phép cho hoạt động tư vấn lập dự án); Quyết định phê duyệt dự án đầu tư không có nội dung quy định về hình thức quản lý dự án; trong công tác thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thực hiện phân chia gói thầu không hợp lý như chia nhỏ gói thầu hoặc gộp vào một gói thầu, không đảm bảo quy định tại Luật Đấu thầu...
Phát hiện nhiều khoản chi không đúng quy định
Đối với 8 đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, các đơn vị này thu các khoản phí, lệ phí, học phí phát sinh tại đơn vị không nộp Kho bạc Nhà nước; lập, phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án hằng năm chậm, dẫn đến nhiều khoản chi không đúng quy định; thanh toán nhiều khoản tiền chưa đúng quy định.
Trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, Viện phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án “Cơ sở nghiên cứu Viện Kỹ thuật nhiệt đới” có sai sót trong áp dụng cơ chế chính sách Nhà nước làm tăng chi phí xây dựng hơn 700 triệu đồng; xác định chi phí thiết kế, lập dự toán dự án “Cơ sở nghiên cứu Viện Sinh học Tây Nguyên” sai, phải giảm trừ hơn 20 triệu đồng.
Đối với phần thanh tra công tác thi công và xây lắp, Thanh tra Chính phủ giảm trừ giá trị một số gói thầu của Viện Hàn lâm lên tới hơn 3,4 tỉ đồng.
Trong thông báo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến những sai sót trên có yếu tố chủ quan do công tác chỉ đạo của Viện Hàn lâm trong quản lý tài chính, tài sản còn có mặt chưa đồng bộ, thiếu thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước; sự phối hợp thực hiện của các đơn vị trong quản lý tài chính, tài sản chưa chặt chẽ. Một số chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, năng lực còn hạn chế.
“Trách nhiệm về các thiếu sót, hạn chế trong quản lý tài chính, tài sản Nhà nước giao thuộc lãnh đạo Viện Hàn lâm, Ban Kế hoạch - Tài chính, các viện, đơn vị thuộc Viện Hàn lâm giai đoạn 2011-2015. Trách nhiệm về các thiếu sót, hạn chế trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thực hiện dự án” - kết luận thanh tra nêu rõ.
Từ những thiếu sót, hạn chế trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Viện Hàn lâm phối hợp cùng Bộ KHĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu, thống nhất phương án tiếp tục phân bổ vốn đầu tư hằng năm đảm bảo cho Viện Hàn lâm nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án phát huy được hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Xử lý kinh tế với số tiền gần 4,2 tỉ đồng
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xử lý số tiền gần 4,2 tỉ đồng phát hiện qua thanh tra. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm phải chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm nêu trong kết luận.
|