'Hết thời lướt sóng nhà đất nếu áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng'

Việc tính thuế 20% trên lãi từng lần chuyển nhượng khiến bất động sản không còn là sân chơi dễ dãi cho đầu cơ, giúp thị trường phát triển lành mạnh dù có thể gây nghẽn thanh khoản cục bộ, theo chuyên gia.

Bộ Tài chính vừa đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng. Nếu không xác định được giá mua và chi phí liên quan, thuế tính theo giá bán và thời gian sở hữu, với thuế suất từ 2–10% (dưới 2 năm: 10%, 2-5 năm: 6%, 5-10 năm: 4%, từ 10 năm trở lên 2%).

Việc áp thuế trên lãi chuyển nhượng bất động sản thể hiện rõ định hướng điều tiết hoạt động đầu cơ, "lướt sóng" - nguyên nhân góp phần đẩy giá nhà đất tăng nóng thời gian qua.

Điểm đáng chú ý của hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) là phương án tính thuế lũy tiến theo thời gian nắm giữ nhà đất, nếu không áp dụng được tính thuế theo từng lần chuyển nhượng. Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản, tư duy chính sách thuế đang dịch chuyển, "từ đánh đồng tất cả giao dịch với thuế khoán 2% trên giá chuyển nhượng sang phân loại, đánh trúng vào hành vi cần điều chỉnh là đầu cơ, lướt sóng".

Ông nói, thuế đánh càng cao nếu bán ra sớm khiến nhiều nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lại mục tiêu "lướt sóng" nhà đất. Bởi những giao dịch "ăn chênh" trong thời gian ngắn chủ yếu dựa vào kỳ vọng hoặc thông tin quy hoạch chưa chính thức nên họ thường sử dụng đòn bẩy tài chính, tạo áp lực về dòng tiền. Việc buộc phải nắm giữ dài hạn khiến việc đầu cơ giảm sức hấp dẫn, từ đó, hạ nhiệt thị trường đồng thời tăng tính ổn định và bền vững.

Ông Tuấn đánh giá thay đổi này không đơn thuần là tăng thu ngân sách, mà là phép thử cho tiến trình tái cấu trúc thị trường. Đây là bước chuyển rõ ràng trong tư duy điều tiết: "bất động sản không còn là sân chơi dễ dãi cho đầu cơ", mà là lĩnh vực cần đầu tư dài hạn, nghiêm túc và có trách nhiệm.

Theo kết quả một nghiên cứu của kênh Batdongsan, hơn 86% người mua bất động sản hiện nay nhằm mục đích đầu tư "lướt sóng" kiếm lời. Thời gian từ lúc họ mua đến khi sang tay tối đa trong một năm. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư giữ bất động sản dưới 6 tháng chiếm đến 50% và từ 6-12 tháng tầm 36%. Chỉ 14% giữ tài sản lâu hơn một năm.

Đề xuất của Bộ Tài chính về tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản. Minh họa: Anh Tú

Chuyên gia tư vấn bất động sản cá nhân Lê Quốc Kiên cũng nhìn nhận phương pháp tính thuế 20% lãi chuyển nhượng bất động sản sẽ có lợi hơn so với cách tính hiện nay (thuế khoán 2% trên giá chuyển nhượng), nếu người bán chứng minh được các chi phí phát sinh. Ví dụ, nếu chủ nhà mua một căn hộ với giá 4 tỷ đồng, chi phí liên quan là 800 triệu đồng, sau đó bán lại với giá 5 tỷ đồng, thuế thu nhập theo phương pháp mới là 40 triệu đồng (20% trên lợi nhuận 200 triệu đồng). Trong khi tính theo cách cũ, mức thuế phải đóng sẽ là 100 triệu (2% của 5 tỷ đồng). Theo cách tính này, những người bán lỗ nhà đất sẽ không phải đóng thuế.

Theo ông, cách tính này không chỉ mang lại sự công bằng và minh bạch hơn cho thị trường mà còn giúp tăng thu thuế đúng chỗ, đúng người, làm giảm các hoạt động đầu cơ ngắn. Người bán chọn cách tính thuế mới và chứng minh được chi phí phát sinh liên quan, mức đóng thuế sẽ thấp hơn. Điều này khuyến khích nhà đầu tư tập trung vào chiến lược dài hơi, hạn chế tình trạng đẩy giá nhà đất, giúp thị trường vận hành tích cực hơn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá. Trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến "sốt nhà đất" tại nhiều địa phương.

Dữ liệu của đơn vị này chỉ ra Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng giá bán chung cư, lên đến 87% sau 6 năm, trung bình mỗi năm tăng gần 15%. Hết quý II, giá căn hộ trung bình ở Thủ đô đạt gần 76 triệu đồng một m2. Theo sau là TP Đà Nẵng và TP HCM với đà tăng giá bán lên đến 70% và 48%.

Tại nhiều khu đô thị, dự án đất nền, tình trạng nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích đều là đẩy giá kiếm lời. "Việc nghiên cứu áp thuế bất động sản là cấp bách để điều tiết thị trường. Không vì thấy khó ban hành mà bỏ qua chính sách này", ông Đính nói.

Loạt biệt thự bỏ hoang nhiều năm, không người về ở tại khu đô thị phía Tây Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Mặt khác, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại việc áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng nhà đất có thể gây nghẽn thanh khoản cục bộ, làm chậm dòng chảy vốn trong nền kinh tế.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho rằng việc tính thuế theo giá bán và thời gian sở hữu, cao nhất 10% với thời gian nắm giữ dưới 2 năm (cao gấp 5 lần hiện hành) có thể khiến giao dịch sụt giảm, thị trường thứ cấp rơi vào trạng thái tạm thời đóng băng. Bởi tâm lý "lướt sóng" đã ăn sâu trong tư duy đầu tư của rất nhiều người Việt, trải dài ở nhiều phân khúc từ đất nền, chung cư đến thấp tầng. Họ thường có xu hướng "bán khi được giá" nên linh hoạt dịch chuyển dòng vốn sang các tài sản khác có lợi hơn trong từng thời điểm.

Theo ông Tuấn, phân khúc đất nền và căn hộ cao cấp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Đây là hai phân khúc nhà đầu tư thường "lướt sóng" trong vòng 6-18 tháng để tối đa hóa lợi nhuận. Khi biên lợi nhuận bị bào mòn, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.

Ông Tuấn cũng quan ngại việc áp dụng thuế mới có thể đẩy giá nhà tăng cao. Bởi bên bán thường cộng toàn bộ chi phí, gồm cả thuế vào giá bán. Khi mức thuế tăng, giá bán ra cũng sẽ tăng theo và người mua cuối cùng có thể phải gánh thêm chi phí này. Ngoài ra, lợi nhuận thực tế của nhà đầu tư chịu ảnh hưởng kéo theo kênh đầu tư bất động sản cũng trở nên kém hấp dẫn so với các kênh khác. Thị trường địa ốc Việt Nam cũng khó cạnh tranh với các nước trong khu vực nơi có mức thuế thấp hơn.

Tương tự, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho biết cần có 2 điều kiện để tính thuế theo phương pháp trên. Đầu tiên là cơ sở dữ liệu về lịch sử giao dịch của tài sản phải minh bạch, thứ hai là quy định rõ ràng các khoản chi phí được khấu trừ, kèm điều kiện về hóa đơn, chứng từ chứng minh.

Hiện nay, cơ quan thuế có thể tra cứu lịch sử giao dịch của thửa đất và của người nộp thuế, nhưng giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng vẫn chưa phản ánh đúng giá thực tế. Về chi phí đầu vào liên quan, một giao dịch bất động sản thường có các khoản phí như giá mua, phí môi giới, phí cải tạo, phí sửa chữa, phí lãi vay... Theo ông Quang, việc xác định chi phí này tương đối phức tạp, nhất là với những căn nhà niên đại sử dụng hàng chục năm...

"Nếu không xác định được các chi phí kể trên, rất khó để hiện thực hóa cách tính thuế dựa trên lợi nhuận", ông nói.

Theo các chuyên gia, để thực hiện hiệu quả chính sách đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng, yêu cầu tiên quyết là hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai. CEO Công ty Việt An Hòa cho biết nhà nước cần xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường bất động sản minh bạch, nhất quán và triển khai liên thông thủ tục hành chính liên quan đến giá, giao dịch bất động sản (từ công chứng, thuế,...) trên nền tảng điện tử. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp kê khai sai giá trị giao dịch.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn cũng khuyến nghị mỗi bất động sản khi đưa vào giao dịch phải được "số hóa" đầy đủ gồm giá mua - giá bán, thời gian giao dịch, số lần chuyển nhượng, giá trị từng lần. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu giá đất cũng cần được cập nhật kịp thời theo Luật Đất đai 2024 để tránh tình trạng bảng giá đất vẫn "lỗi thời" tại nhiều địa phương.

Đầu năm nay, Bộ Xây dựng đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ nghiên cứu mô hình để giao dịch nhà đất online như chứng khoán nhằm chuyển đổi số liên thông các thủ tục đất đai. Người dân có thể giao dịch bất động sản, công chứng, thuế, đăng ký giao dịch trên môi trường điện tử.

Mới đây, Bộ này cho biết trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý có thể hình thành từ đầu năm 2026. Trung tâm này sẽ giúp kiểm soát sự minh bạch khi đưa bất động sản vào kinh doanh, hỗ trợ giải quyết liên thông các thủ tục hành chính trong quá trình giao dịch.

Theo VnExpress Copy link

Bình luận bài viết

5.0 (0 đánh giá)
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Chưa có file đính kèm
Đánh giá bài viết

Các bài viết khác

12 nhiệm vụ trọng tâm của cấp xã trong công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai

Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai được chuyển hoàn toàn từ cấp huyện cho cấp xã thực hiện. Trong thời gian tới, UBND cấp xã cần tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.
21/07/2025

Ứng phó bão số 3: Khẩn trương nhất, quyết liệt nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3.
21/07/2025

Hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng lắp điện mặt trời mái nhà?

Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện.
19/07/2025

Quy định mới về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tại Nghị định số 205/2025/NĐ-CP, Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2025.
18/07/2025

Công an cấp xã có trách nhiệm định kỳ, đột xuất kiểm tra cư trú, thu nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước,...

Công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thu nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; định kỳ, đột xuất thực hiện kiểm tra cư trú.
17/07/2025

TP.HCM thí điểm đèn led vỉa hè và biển báo phát sáng, nâng cao an toàn giao thông

Ông Ngô Hải Đường, đại diện Sở xây dựng TP.HCM đã chia sẻ về những giải pháp công nghệ mới đang được thành phố thí điểm nhằm nâng cao an toàn giao thông và hiện đại hóa hạ tầng đô thị.
17/07/2025

Lý do đề xuất ngừng ký hợp đồng với xe máy công nghệ chạy xăng tại TP HCM

Đề xuất này nằm trong Đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang xe điện, dự kiến áp dụng từ tháng 1-2026.
17/07/2025

Bộ Y tế nói về đề nghị hỗ trợ miễn giảm viện phí cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa có ý kiến trả lời kiến nghị về chính sách hỗ trợ miễn, giảm viện phí cho các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính.
16/07/2025

Lo ngại đảo lộn cuộc sống vì cấm xe máy xăng

Bữa cơm tối hai ngày qua của gia đình ông Hùng chỉ xoay quanh chuyện sẽ sinh sống thế nào nếu xe máy xăng bị cấm từ tháng 7 năm sau.
14/07/2025

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã

Bộ Nội vụ đang xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để triển khai toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sử dụng KPI để phát hiện sớm, kịp thời thay thế cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu.
14/07/2025

Cán bộ, công chức nghỉ việc sau 1/7 có được hưởng chế độ theo Nghị định 178?

Trước nhiều băn khoăn của cán bộ, công chức, viên chức về chế độ nghỉ việc theo Nghị định 178, đặc biệt sau mốc thời gian 1/7, Bộ Nội vụ vừa có câu trả lời.
14/07/2025

Danh sách các Trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động (cập nhật ngày 12/7)

Ngày 12/7, Cục CSGT công bố danh sách 44 Trung tâm sát hạch lái xe loại 1, 2 đã được cấp phép theo Nghị định 160/2024/NĐ-CP, tăng 14 Trung tâm được cấp phép so với danh sách cập nhật ngày 9/7/2025. Danh sách sẽ được Cục CSGT liên tục được cập nhật theo ngày để thông tin tới người dân.
12/07/2025