Liên quan đến sai phạm chuyển đổi đất ở Gia Lâm (Hà Nội) gây thiệt hại hơn 20,4 tỷ đồng, cựu Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm và đồng phạm vừa phải nhận án tù.
Chiều 22/5, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ sai phạm đất đai ở Gia Lâm. HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Thành (ở quận Long Biên) mức án 26 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Liên quan đến vụ án, HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo sau về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
Nguyễn Quang Hải (ở quận Long Biên), Lý Duy Khoa (cựu cán bộ phòng Tài nguyên và môi trường huyện Gia Lâm), Phan Thế Long (cán bộ địa chính) 4 năm tù;
Lương Văn Thành (cựu Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm): 4 năm, 6 tháng tù; Nguyễn Bá Hoán (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm): 3 năm, 6 tháng tù.
Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần (cựu Trưởng ban dân vận huyện ủy Gia Lâm) nhận 36 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh minh họa.
Trước đó, vào cuối năm 2021, VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự về việc một số đối tượng trục lợi từ chính sách người có công với cách mạng, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, miễn giảm tiền sử dụng đất từ 65% đến 100% xảy ra tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Coi đây là nguồn tin về tội phạm, CQĐT đã vào cuộc làm rõ. Kết quả điều tra cho thấy, năm 2011, ông Hoàng Văn Thành và bà Ngô Thị Thanh Thủy (đã chết) góp tiền mua 9 thửa đất nông nghiệp, diện tích 5.233m2 ở tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Sau khi mua các thửa đất nông nghiệp của các hộ dân nhưng không chuyển được mục đích sử dụng đất nên ông Thành và bà Thủy đã thuê 26 người có công với cách mạng (20- 50 triệu đồng/người) đứng tên 26 thửa đất đã mua rồi câu kết với các cán bộ thuộc UBND thị trấn Trâu Quỳ và UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất.
Làm sai
Theo hồ sơ, ông Thành và bà Thủy thống nhất để bị cáo Nguyễn Quang Hải gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm nhằm xin chuyển mục đích sử dụng đất. Ông Thành và Hải sau đó thường xuyên đến UBND huyện Gia Lâm gặp ông Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm Lương Văn Thành và Trưởng ban dân vận huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần để nhờ giải quyết.
Cáo buộc cho rằng, dù biết 26 thửa đất không phải là của những người có công với cách mạng mà là của ông Thành mua của các hộ dân, nhưng cán bộ địa chính Phan Thế Long và Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Bá Hoán vẫn thụ lý và thẩm định 26 hồ sơ của ông Thành và bà Hải.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, ông Long soạn thảo 2 tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 26 hộ dân được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở đô thị. Căn cứ kết quả thẩm định, đề xuất của Long, Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Bá Hoán đã ký xác nhận vào 26 đơn trên.
Tại cơ quan điều tra, ông Thành khai nhận đã chi cho ông Hoán 15 triệu đồng/bộ hồ sơ. Trong khi đó, ông Long được bà Thủy bán rẻ cho thửa đất diện tích 175,7m2 và đã bán lại thửa đất trên, lãi 50 triệu đồng.
Ông Thành cũng khai đã hứa hẹn cho Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm Lương Văn Thành 200 m2 đất ở nếu chuyển mục đích sử dụng đất thành công.
Vẫn theo lời khai của ông Thành, ông ta nhờ bị cáo Hải đưa hơn 4 tỷ đồng cho lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm trước dịp 1/5/2016 và khoảng 1,3 tỷ đồng cho ông Thuần. Tuy nhiên, bị cáo Hải khai không có việc đưa tiền trên. Do không có tài liệu chứng minh nên lời khai này của ông Thành bị CQĐT cho là không có căn cứ. |
Cáo buộc chỉ ra rằng, khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ Phòng TN&MT huyện Gia Lâm Lý Duy Khoa không kiểm tra, xem xét điều kiện miễn giảm tiền sử dụng đất. Ông Khoa nhận 30 triệu đồng từ ông Thành kèm lời hứa bán cho 1 thửa đất ở sau khi chuyển đổi xong.
Ông Nguyễn Ngọc Thuần, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cũng không kiểm tra hiện trạng đất, không chỉ đạo kiểm tra điều kiện miễn giảm tiền sử dụng đất, trong hồ sơ không có kiến nghị của UBND cấp xã nơi người có công với cách mạng cư trú và kết quả xác minh lại của UBND cấp huyện.
Nhưng do tin tưởng cấp dưới, ông Thuần đã ký 26 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho 26/29 thửa đất với diện tích hơn 3.400m2 và miễn giảm tiền sử dụng đất, gây thiệt hại cho nhà nước là hơn 20,4 tỷ đồng.
Thời điểm đó, ông Thành đã chia tách 20 thửa đất thành 43 thửa đất. Còn bà Thủy tách 5 thửa đất thành 12 thửa đất để bán cho những người khác.
Có 58 trường hợp đã mua bán, chuyển nhượng các thửa đất do Thành và Hải chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Những người này cho rằng, họ không biết các thửa đất bị chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định nên đề nghị cơ quan tố tụng xác định họ là người thứ ba ngay tình. |
Lừa đảo
Theo cáo trạng, thời điểm 9/2016, ông Thành biết rõ 470,4m2 thuộc 5 thửa đất mang tên 5 người khác ở thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm nằm trong chỉ giới đường đỏ, quy hoạch cây xanh và đường giao thông nên không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Nhưng khoảng đầu năm 2019, ông Thành vẫn đưa ra thông tin gian dối với anh Bùi Trung S. rằng, có thể chuyển mục đích sử dụng đất cho 470,4m2 đất tại 5 thửa đất trên sang đất ở. Tin lời ông Thành, anh S. đã chuyển cho ông Thành hơn 9,2 tỷ đồng để rồi bị ông Thành chiếm đoạt và không thực hiện như cam kết.