Dự thảo Luật Nhà giáo đang được xem xét, trong đó có đề xuất đặc biệt về chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Theo đó, giáo viên mầm non sẽ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, thấp hơn so với quy định chung của Bộ luật Lao động đối với các nhà giáo khác.
Đề xuất này được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh điều kiện lao động của giáo viên mầm non thuộc nhóm nghề "nặng nhọc". Việc giảm tuổi nghỉ hưu nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ giáo viên.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo dự thảo Luật, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định về việc kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục.
Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thời gian kéo dài làm việc đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với nhà giáo có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Dự thảo Luật cũng quy định về việc cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
Việc ban hành Luật Nhà giáo mới với những quy định cụ thể về chế độ nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc và hợp đồng lao động đối với nhà giáo hứa hẹn sẽ tạo ra những bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.