Từ 1.7, ông Nguyễn Quang Tuấn (còn được gọi là 'Tuấn tim'), cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã bắt đầu thực hành chuyên môn tại Bệnh viện Hữu nghị (Bộ Y tế).
Từ 1.7, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nội tim mạch Nguyễn Quang Tuấn đã bắt đầu thực hành chuyên môn tại Bệnh viện Hữu nghị (Bộ Y tế), sau khi hoàn thành án tù.
Trước đó, tháng 4.2023, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Quang Tuấn, là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ tim mạch, 3 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thấp hơn mức đề nghị 4 - 5 năm tù của đại diện viện kiểm sát.
Ông Tuấn không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành xong bản án. Hội đồng xét xử khi đó cũng nhận định vi phạm của ông Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành y mà chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước. Đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể, cần cân nhắc khi lượng hình, để bị cáo có thể sớm trở về với cộng đồng, tiếp tục đóng góp.
Thời điểm bị khởi tố, ông Nguyễn Quang Tuấn là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông từng có nhiều đóng góp về công tác chuyên môn trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện nơi ông làm việc, lãnh đạo; có đóng góp trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trước khi làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông từng là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nội tim mạch, được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ông Tuấn nguyên là đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Sau khi ra tù (dịp 30.4 năm nay), từ tháng 7 này, ông Tuấn về thực hành tại Bệnh viện Hữu nghị. Theo giới chuyên môn, để được cấp chứng chỉ hành nghề y, ông cần có thời gian thực hành sau thời gian gián đoạn. Bộ Y tế cũng đã có quy định, các bác sĩ hành nghề cần đào tạo liên tục và cần được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục.
Theo quy định, thời gian thực hành trong vòng 12 tháng. Sau khi xong thời gian thực hành, cá nhân có thể làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề mới. Chứng chỉ hành nghề là điều kiện cần có để bác sĩ làm công tác chuyên môn, khám bệnh kê đơn.