Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 khẳng định tín hiệu phục hồi tích cực khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Theo đánh giá của Chính phủ, nước ta tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; hoàn thành 10/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Từ đầu năm 2024 đến nay, dù tình hình thế giới còn nhiều thách thức khó lường, tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nợ công, nợ quốc gia được bảo đảm.
GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I kể từ năm 2020 và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5 (Ảnh: Hồng Phong).
Cũng trong 4 tháng đầu năm, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án giao thông, năng lượng được đôn đốc với việc khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng; khánh thành đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt…, đưa tổng số km đường cao tốc vào khai thác lên 2.000 km.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ cho rằng việc này tạo thách thức, áp lực lớn lên tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội nước ta năm 2024.
Thời gian tới, Chính phủ nêu định hướng tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng, nguồn cung ứng điện, xăng dầu trong nước; hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.
Chính phủ cũng quán triệt cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội.
Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định tốc độ tăng trưởng GDP Quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Hồng Phong).
Với thị trường bất động sản, ông Thanh cho biết có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.
Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Trong khi đó, giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.
Phân tích rõ hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy.
Trước hết, người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.
Do đó, ông Thanh cho biết có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời cần chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, cơ quan thẩm tra cho rằng công tác dự báo còn hạn chế, vai trò quản lý Nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số nộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương chưa quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.