Tối ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng số tiền lên tới 527,8 tỷ đồng. Cũng từ đó, nhiều cá nhân, tập thể đã bị gọi tên khi có dấu hiệu chỉnh sửa thông tin chuyển khoản với mục đích không tốt.
"Bệnh làm màu" núp bóng từ thiện bị lật tẩy
Sau khi cơn bão số 3 – Yagi đổ bộ vào miền Bắc và gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhân dân cả nước đã cùng chung tay góp công góp của để ủng hộ đồng bào khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt đã được ghi nhận trong cơn hoạn nạn, từ vị giáo sư dành toàn bộ tiền tiết kiệm để ủng hộ cho tới những em nhỏ, người lao động dành những đồng cuối cùng để gửi tới MTTQVN nhằm hỗ trợ vùng bão lũ.
Tuy nhiên bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp đó, vẫn còn nhiều "con sâu làm rầu nồi canh" bị phát hiện sau khi danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua số tài khoản từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024 của MTTQVN được công khai. Cộng đồng đã phải xôn xao trước những nghi vấn cho thấy, số tiền ủng hộ của một số người nổi tiếng đã đăng tải trước đó, so với tài liệu sao kê không trùng khớp.
Một trong những nhân vật được mạng xã hội nhắc tên nhiều nhất đó là L.P – một cựu vận động viên thể dục dụng cụ của Việt Nam. Cô bị cộng đồng mạng tố đã chỉnh sửa hóa đơn chuyển khoản nhằm mục đích “làm màu”, khi thông tin mà cựu vận động viên này chia sẻ bị che khuất bằng các icon nhưng lại lấp ló 8 số 0 và 1 số 5 ở đầu dãy. Do đó, số tiền L.P được đồn đoán ở mức trăm triệu, nhưng khi đối chiếu sao kê của MTTQVN, một dòng thông tin khớp với nội dung chuyển khoản của L.P nhưng số tiền chỉ vỏn vẹn 500.000 đồng.
Trước sự chỉ trích của cư dân mạng, L.P cũng nhanh chóng lên tiếng đính chính thông tin, cho rằng có người chuyển khoản giống nội dung của mình nhằm mục đích xấu. Tuy nhiên, cựu vận động viên này vẫn không công khai hóa đơn chuyển khoản trước đó. Lời giải thích này của L.P dường như chưa khiến cộng đồng mạng hài lòng, khi liên tục nhận lại những phản ứng tiêu cực.
Tương tự, một Tiktoker khá nổi tiếng với 1,3 triệu lượt theo dõi là Việt Anh Pí Po (tên thật là Phùng Việt Anh) cũng vừa phải đăng tải clip xin lỗi cộng đồng, khi anh này đăng tải ảnh chụp hóa đơn giao dịch với con số đã được che đi nhưng vẫn có thể nhận ra mức chục triệu đồng trở lên. Tuy nhiên thực tế, hot tiktoker này đã gửi ủng hộ 1 triệu đồng đến tài khoản của MTTQVN.
Khó tin hơn nữa, từ việc MTTQVN công khai sao kê, nhiều hội nhóm bán đấu giá từ thiện lấy tiền ủng hộ cũng phát hiện ra một số đối tượng lợi dụng bão lũ để có hành vi thu lợi bất chính. Đơn cử trong nhóm “Caiu - Pass đồ của các em bé xinh”, một thành viên đã bị tố giác khi thu lại 10 triệu đồng để làm từ thiện, nhưng thực tế chỉ chuyển 10.000 đồng đến MTTQVN. Ngay sau khi bị phát hiện, thành viên này đã “gửi bù” tiền và lên bài xin lỗi các thành viên trong nhóm.
Ngoài các trường hợp nói trên, cộng đồng mạng cũng “bóc” ra nhiều trường hợp cố tình sử dụng hóa đơn giả, đã photoshop chỉ để đánh bóng tên tuổi. Như một tài khoản trên mạng xã hội Threads tên D.A chia sẻ chuyển 100 triệu đồng ủng hộ, nhưng thực tế chỉ có 10.000 đồng. Đặc biệt, có những người chỉ gửi 10.000 đồng nhưng chia sẻ hóa đơn 100 triệu đồng, hay tự chuyển hàng trăm triệu đồng vào tài khoản cá nhân và ghi nội dung ủng hộ bão lũ nhưng… quên photoshop số tài khoản.
Những hành động này đã gây bức xúc cho cộng đồng, nhiều người vẫn đang tiếp tục “soi” danh sách sao kê của MTTQVN để bóc trần các cá nhân, tập thể lợi dụng việc ủng hộ từ thiện để “làm màu” hoặc trực lợi bằng những hóa đơn chuyển khoản đã qua chỉnh sửa.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trả lời báo Nhà báo và Công luận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, do đó không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít, miễn là từ tâm. Tuy nhiên, nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa hóa đơn chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm hóa đơn giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 của BLHS
Ngoài ra, hành vi làm giả hóa đơn chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, việc MTTQ Việt Nam công khai sao kê, thông tin tài khoản chuyển tiền và chi tiết số tiền từ thiện của các tổ chức cá nhân là cần thiết, thể hiện công khai minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện…
Nghị định 93 cũng quy định cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện thì phải nêu rõ thông tin cá nhân bản thân, địa chỉ nơi cư trú, phải thông báo cho chính quyền địa phương về chương trình từ thiện, phải thông báo công khai về mục đích, nội dung, thời gian thực hiện hoạt động kêu gọi tiếp nhận ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn. Đồng thời phải mở tài khoản riêng để sử dụng cho mỗi đợt từ thiện, công khai minh bạch tài chính và có trách nhiệm giải trình. Khi thực hiện các hoạt động từ thiện, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra để phối hợp cùng tổ chức thực hiện…
Trường hợp tổ chức cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp tiền, tài sản để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai mà không tuân thủ các quy định của Nghị định trên thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, trường hợp lợi dụng thiên tai dịch bệnh để đưa ra thông tin gian dối, mạo danh cơ quan tổ chức để tiếp nhận tiền, tài sản của người khác rồi chiếm đoạt thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 BLHS với hình phạt ít nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng, mức cao nhất còn có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Đặc biệt, người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền, tài sản của người khác để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai (người marketing về chương trình từ thiện và có trách nhiệm vận chuyển, trao quà) mà lợi dụng niềm tin của các nhà hảo tâm để chiếm đoạt tiền, tài sản (chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ) thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Tham ô tài sản” theo quy định của pháp luật với chế tài nghiêm khắc, hình phạt có thể đến 20 năm tù đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có thể đến mức tử hình đối với hành vi tham ô tài sản.
Những người đưa thông tin sai sự thật nhưng chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân hoặc tội vu khống.