Việt Nam xác định: Bình đẳng là thước đo sự phát triển của xã hội hiện đại, là một trong những tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” (Điều 26).
Luật Bình đẳng giới - Luật số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006 khẳng định “vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình” (Điều 18)(1).
Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tại Mục tiêu 5.4 xác định: “Bảo đảm bình đẳng trong việc nội trợ và chăm sóc gia đình; công nhận việc nội trợ và các chăm sóc không được trả phí; tăng cường các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo trợ xã hội, các dịch vụ hỗ trợ gia đình, chăm sóc trẻ em (Mục tiêu 5.4 toàn cầu)” (2).
Ngoài ra, theo Luật Bảo hiểm xã hội - Luật số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, phụ nữ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như: Chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động... Bên cạnh đó, Luật còn quy định quyền lợi mang tính đặc thù đối với người phụ nữ như: Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp), nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương, dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu. Ngoài ra, các đối tượng xã hội là phụ nữ cũng được hưởng trợ giúp vật chất với tư cách đối tượng cứu trợ xã hội (3).
Bộ luật Lao động - Bộ luật số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định: Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình(4).
Bộ luật số 45/2019/QH14 còn quy định rõ, nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; lao động nữ được dành thời gian trong thời gian lao động để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Đặc biệt, Bộ luật quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng.
Luật Hôn nhân và gia đình - Luật số 52/2014/QH13 ban hành ngày 19/06/2014 cũng khẳng định nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; có nghĩa vụ sống chung với nhau... Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình;...
Bộ luật Hình sự - Luật số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (5) đã thể chế hoá các quy định của Hiến pháp về quyền con người, đã quy định những tội phạm liên quan đến phụ nữ, các điều luật bảo vệ quyền của phụ nữ: Hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 52) và cũng là tình tiết tăng nặng định khung: Giết phụ nữ mà biết là có thai (Điều 123), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ đối với phụ nữ đang có thai (Điều 134),...
Bên cạnh đó, Luật số 100/2015/QH13 cũng thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý tội phạm là nữ giới; có chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Chính sách nhân đạo, khoan hồng được thể hiện cả trong việc áp dụng hình phạt và thi hành án: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Có thể thấy rằng, quyền của phụ nữ Việt Nam trong các văn bản pháp luật nêu trên, đều thể hiện rõ hai yếu tố căn bản đó là “bình đẳng và ưu tiên”. Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế và trong đời sống gia đình. Còn quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Pháp luật Việt Nam cũng có những chế tài cứng rắn thể hiện quan điểm bình đẳng giới. Cụ thể, tại Điều 41, Luật Bình đẳng giới - Luật số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006 (1), các hành vi sau đây được coi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình: Một là, cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính. Hai là, không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới. Ba là, đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính. Bốn là, hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính. Năm là, áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.
Bên cạnh đó, Luật số 73/2006/QH11 cũng quy định(1) “Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới”, trong đó bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước...
Từ các chính sách, quy định của pháp luật nêu trên, có thể thấy, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới của nước ta đang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước. Quyền bình đẳng và cơ hội của phụ nữ, nam giới, nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số… được quan tâm và thể hiện trong chiến lược các chương trình, các đề án, nhằm thực hiện mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Tài liệu tham khảo:
(1) Luật số 73/2006/QH11 của Quốc hội: Luật Bình đẳng giới
(2) Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
(3) Luật số 58/2014/QH13 của Quốc hội: LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI
(4) Luật số 45/2019/QH14 của Quốc hội: Bộ Luật Lao động
(5) Luật số 52/2014/QH13 của Quốc hội: LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
(6) Luật số 100/2015/QH13 của Quốc hội: Bộ Luật Hình sự