Lực lượng CSGT chủ động nắm tình hình, tham mưu chỉ đạo, triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT mang lại hiệu quả cao, trong đó:
(1) Đã tiếp tục tham mưu cho Bộ Công an cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT;
(2) Tham mưu cho Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm TTATGT,
(3) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho người dân, đặc biệt tập trung tuyên truyền về các quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để nâng cao ý thức tự giác, ứng xử văn minh của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông văn minh, hiện đại trong Nhân dân.

(4) Kịp thời nhận diện và xử lý quyết liệt các nhóm hành vi vi phạm TTATGT được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó đặc biệt đã bổ sung xử lý thêm 02 nhóm hành vi so với năm trước, đó là: Nhóm hành vi liên quan đến kinh doanh vận tải vi phạm các quy định an toàn trong khi điều khiển phương tiện và nhóm các hành vi vi phạm TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông;
(5) Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào các mặt công tác bảo đảm TTATGT, nhất là quản lý, điều hành, phát hiện, ghi nhận và xử lý vi phạm về TTATGT. Do đó, tình hình TTATGT đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2024, ùn tắc giao thông được kiềm chế.
I. KẾT QUẢ
1. Tai nạn giao thông
Xảy ra 9.398 vụ, làm chết 5.293 người, bị thương 6.246 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 3.009 vụ (-24,25%), giảm 201 người chết (-3,66%), giảm 3.203 người bị thương (-33,9%). Cụ thể:
1.1. Đường bộ: Xảy ra 9.317 vụ, làm chết 5.234 người, bị thương 6.229 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 3.000 vụ, giảm 200 người chết, giảm 3.204 người bị thương.

1.2. Đường sắt. Xây ra 55 vụ, làm chết 38 người, bị thương 12 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 08 vụ, giảm 07 người chết, tăng 01 người bị thương.
1.3. Đường thủy: Xảy ra 26 vụ, làm chết 21 người, 05 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 01 vụ, tăng 06 người chết, số người bị thương không tăng không giảm.
2. Ùn tắc giao thông: Xảy ra 28 vụ. Nguyên nhân: do tai nạn giao thông: 12 vụ (42,8%), lưu lượng phương tiện tăng cao: 14 vụ (50%), sự cố: 01 vụ (3,6%); do đường đang thi công: 01 vụ (3,6%).
3. Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng: Phát hiện 54 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng, lực lượng chức năng bắt giữ 402 đối tượng. Trong đó, khởi tổ 13 vụ gây rối trật tự công cộng, 201 đối tượng, xử lý hành chính 41 vụ, 136 đối tượng; 65 đối tượng chưa đủ 16 tuổi bàn giao địa phương và gia đình quản lý theo đúng quy định.
4. Về công tác xử lý vi phạm
Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1.668.888 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, tước 149.070 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 424.077 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2024, xử lý giảm 469.654 trường hợp (-21,96%), cụ thể:
- Đường bộ: Xử lý 1.636.306 trường hợp. Trong đó, có 310.058 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 16,46% các hành vi phạm), 2.397 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,13% các hành vi vi phạm), 18.627 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 0,99% các hành vị vị phạm).

398,822 trường hợp vi phạm quy định về tốc độ (chiếm 21,18% các hành vi vi phạm), 76.507 trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường (chiếm 4,06% các hành vi vi phạm), sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện và việc lắp đặt, hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh lái xe 3.521 trường hợp (0,19% các hành vi vi phạm)... Xử lý lứa tuổi học sinh vì phạm TTATGT 38.651 trường hợp, chiếm 2,36% các trường hợp vi phạm bị xử lý.

- Đường sắt: Xử lý 1.749 trường hợp. Công an các địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức rào đóng, xóa bỏ 179 lối đi tự mở và thu hẹp 78 lối đi tự mở tại các địa phương.
- Đường thủy: Xử lý 30.833 trường hợp. Trong đó có 82 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 0,26% các hành vi vi phạm), 17.894 trường hợp chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (chiếm 55,96% các hành vi vi phạm)...
5. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến giao thông
Thông qua các mặt công tác lực lượng CSGT đã trực tiếp và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 1.524 vụ việc phạm pháp hình sự, kinh tế, môi trường, bắt giữ 1.587 đối tượng (trong đó có 05 đối tượng truy nã, 60 đối tượng nhập cảnh trái phép).

Thu giữ 141,8 kg và 247.413 viên ma túy tổng hợp; 107.070 bao thuốc lá ngoại cùng nhiều mặt hàng có giá trị khác bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
II. PHƯƠNG HƯỚNG
1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trong công tác bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội, đồng thời tham mưu cho Bộ theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết các Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT được giao.

Triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT, dẫn đoàn phục vụ các hội nghị, sự kiện, trọng tậm là Đại hội Đảng các cấp, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV, Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập lực lượng CAND Việt Nam,...
2. Tham mưu hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo tiến độ đề ra, đồng thời tiếp tục rà soát, hệ thống hóa lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ các văn bản hết hiệu lực, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới để thay thế.
3. Tiếp tục triển khai các đề án, dự án hiện đại hóa nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát giao thông. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu: lấy người dân, doanh nghiệp là Trung tâm để phục vụ được tốt hơn, ứng dụng công nghệ để hình thành ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, hình thành văn hoá giao thông, công bằng, văn minh…
4. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép lái xe, đăng ký xe, đấu giá biển số xe, cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên, …

5. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là các hành vi phạm pháp luật được xác định là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ... Quản lý, vận hành sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới để xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

6. Tổng rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, xử lý điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, báo cáo kiến nghị Bộ Xây dựng xử lý, khắc phục…