Càng gần thời điểm cải cách tiền lương 1.7, cán bộ, công chức, viên chức càng lo lắng khi giá cả các mặt hàng hóa, dịch vụ… tăng không ngừng trước khi tiền lương được tăng.
Là "tay hòm chìa khóa" trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hải Yến (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, những ngày qua, khi đi chợ, chị luôn giật mình vì số tiền mua thực phẩm nhiều hơn dự định.
Trước các thông tin điều chỉnh tiền lương từ tháng 1.7.2024, chị Yến khấp khởi chờ đợi. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi chưa có thông tin tăng lương chính xác thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã rục rịch tăng trước.
Đi siêu thị một vòng, chị Yến bất ngờ khi giá rau xanh tăng vài nghìn đồng, gạo tăng 3.000 - 5.000 đồng tùy loại, còn giá thịt lợn cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg.
'"Mỗi thứ tăng một ít nên tôi cũng không để ý, cứ mua lượng thức ăn như hàng ngày. Khi về xem lại chi tiêu mới giật mình vì mua vượt so với dự định chi tiêu cho ăn uống hàng ngày của gia đình”, chị Yến tâm sự.
Chị Trần Thị Minh Thúy đã có gần 11 năm làm giáo viên tại trường THPT trên địa bàn huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Hiện tại, chị Thúy đang hưởng hệ số lương là 3,33, tính các khoản phụ cấp chị nhận lương khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng.
Theo chị Thúy, tăng lương là điều đáng mừng, nhưng với viên chức là giáo viên có thâm niên nghề như chị lại lo nhiều hơn, nhất là khi giá cả thị trường và các chỉ số đều tăng.
"Nếu làm bao nhiêu năm vẫn bằng người vừa vào làm thì không hợp lý. Giá cả tăng cao, lương tăng thấp thì coi như tăng lương không có ý nghĩa gì", chị Thúy tâm sự.
Ông Vũ Hồng Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức - cho biết: Khi cải cách tiền lương, tiền lương tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng hệ thống lương mới.
Trong quá trình tính toán, nhà nước sẽ có các yếu tố, khu vực tham chiếu để quy đổi từ mức lương có hệ số sang mức lương theo giá trị công việc. Cách làm này sẽ đảm bảo mức lương của viên chức, người lao động không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác quản lý, điều hành giá trong những tháng đầu năm tiếp tục gặp áp lực, thách thức trước những biến động giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng là rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1.7 sắp tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.
Đồng thời, cần phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống.