Bình đẳng giới (phụ nữ và nam giới được hưởng các cơ hội, quyền và nghĩa vụ như nhau trong mọi lĩnh vực của cuộc sống) là một trong những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu. Vấn đề này được Liên Hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm và cùng thống nhất hành động giải quyết, nhằm đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việt Nam chúng ta đã và đang tham gia nhiều điều ước quốc tế về bình đẳng giới, trong đó bao gồm cả những điều ước quốc tế về nhân quyền nói chung và những điều ước quốc tế cụ thể về bình đẳng giới, như: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) năm 1948; Công ước của Liên Hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979; Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993.
Ngoài ra, còn có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1989…
Việt Nam còn tham gia vào các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc để trao đổi, thảo luận về vấn đề bình đẳng giới như: Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp quốc; Cơ chế Rà soát phổ quát định kỳ tình hình thực hiện quyền con người (UPR)…
Trong số các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, CEDAW là điều ước quốc tế quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ, được biết đến như một bộ luật về quyền của phụ nữ, được Liên Hợp quốc thông qua ngày 18/12/1979 và có hiệu lực từ ngày 03/9/1981.
Việt Nam là nước thứ 06 trên thế giới ký và là nước thứ 35 phê chuẩn Công ước CEDAW (ký ngày 29/7/1980 và phê chuẩn ngày 17/02/1982). Công ước CEDAW có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 19/3/1982. Việt Nam bảo lưu khoản 1 Điều 29 Công ước CEDAW.
Công ước CEDAW xác định các nguyên tắc, khái niệm và chuẩn mực về bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên. Công ước xác lập sự bình đẳng về các quyền cho phụ nữ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ, trên cơ sở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự.
CEDAW không chỉ thiết lập một tuyên ngôn quốc tế về quyền của phụ nữ mà còn thiết lập một chương trình hành động của các quốc gia nhằm bảo đảm phụ nữ được thụ hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Công ước này được biết đến như là đạo luật quốc tế về quyền con người của phụ nữ vì đây là hiệp ước duy nhất có tính ràng buộc pháp lý gần như được phê chuẩn toàn cầu về quyền của phụ nữ. Các quốc gia phê chuẩn CEDAW sẽ phải thừa nhận: 1. Nghĩa vụ tôn trọng; 2. Nghĩa vụ bảo vệ; 3. Nghĩa vụ hành động đối với quyền phụ nữ.
Là thành viên của Công ước, Việt Nam chúng ta luôn tích cực tổ chức thực hiện và hoàn thành các báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện CEDAW, đặc biệt là việc nội luật hóa CEDAW vào pháp luật trong nước.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam đã tiến hành các hoạt động cần thiết để chuyển hóa các quy định của CEDAW thành quy phạm pháp luật trong nước thông qua việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới cho phù hợp với nội dung của CEDAW hoặc đưa các quy định của CEDAW vào nội dung của các văn bản sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Có thể thấy, từ khi gia nhập CEDAW đến nay, việc nội luật hóa CEADAW trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được ghi nhận trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 trước cả khi Việt Nam ký kết CEDAW hơn 30 năm và ngày càng được cụ thể hơn trong các bản Hiến pháp tiếp theo.
Tại Hiến pháp 2013, quyền bình đẳng năm nữ tiếp tục được phát triển và nội luật hóa CEDAW theo hướng đảm bảo bình đẳng thực chất, phù hợp với xu thế chung về bình đẳng giới và triệt để loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Theo đó, Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của phụ nữ và nam giới (khoản 1 Điều 16), bình đẳng trong kết hôn và ly hôn (khoản 1 Điều 36); nhấn mạnh vai trò của Nhà nước, xã hội và gia đình trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em (khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 36); không phân biệt đối xử giữa nam và nữ (khoản 2 Điều 16, khoản 3 Điều 36).
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, việc nội luật hóa CEDAW trong các văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể, ngày càng đảm bảo tốt hơn quyền bình đẳng của phụ nữ.
Có thể nói rằng, sau gần 40 năm tham gia CEDAW, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc gia đối với Công ước và đạt những thành tựu rất đáng khích lệ. Đó là cơ sở vững chắc để Nhà nước và nhân dân ta quyết tâm phấn đấu cho sự nghiệp bình đẳng giới và tiến bộ cho phụ nữ Việt Nam.
Những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam về bình đẳng giới được cộng đồng quốc tế công nhận và ủng hộ. Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 72/146 quốc gia trên thế giới về bình đẳng giới, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.
Từ tháng 01/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Những điều này đã thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực xã hội mang tính toàn cầu này.
Tài liệu tham khảo:
(1) THE UNIVERSAL DECLARATION OF HUMAN RIGHTS
(2) Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ Thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1979, Báo điện tử Đảng Cộng Sản
(3) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966, Cổng TTĐT Bộ Tư pháp: https://moj.gov.vn/tttp/tintuc/Lists/CongUocQuocTe/Attachments/10/1.%20Cong%20uoc%20ICCPR%20-%20VN.pdf
(4) International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights
(5) Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC), Unicef: https://www.unicef.org/vietnam/vi/cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-quyen-tre-em
(6) Công ước CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam, Cổng TTĐT Bộ LĐ-TB&XH: https://molisa.gov.vn/baiviet/8603?tintucID=8603
(7) Hiến pháp năm 2013, Cổng TTĐT Chính Phủ: https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=171264&classid=1&typegroupid=1