Thùng nước đông trùng hạ thảo Hàn Quốc làm quà tặng được đơn vị trúng thầu nhập vào chỉ 460.000 đồng, nhưng đến tay công nhân than Quảng Ninh bị đội lên mức 1,68 triệu đồng (gấp 3,6 lần).
Đây chỉ là một trong số nhiều sản phẩm quà tặng cho công nhân than bị đội giá trong các gói thầu mua sắm, diễn ra tại một số công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).
Sản phẩm gạo "Hoa nắng vàng" do Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả đóng gói làm quà tặng sau khi trúng thầu có mức giá lên tới 64.500 đồng/kg - Ảnh: TIẾN THẮNG
Giá nhập quà tặng và giá trúng thầu "chênh" nhau gần 4 lần
Tuổi Trẻ Online nhận được nội dung tố giác liên quan một số công ty thuộc TKV tổ chức các gói thầu mua sắm quà tặng cho cán bộ, công nhân viên có dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí hàng tỉ đồng khi giá thành nhiều mặt hàng bị đội từ 2-3 lần so với giá nhập đầu vào của đơn vị trúng thầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin có sản phẩm nước đông trùng hạ thảo Hàn Quốc do Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả là đơn vị trúng thầu, cung cấp dịp đầu năm 2024 có giá thành chênh lệch đến 3,6 lần.
Cụ thể, sản phẩm nước đông trùng hạ thảo Hàn Quốc được Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả nhập của Công ty CP Vinkor Group chỉ 460.000 đồng/thùng (mỗi thùng 10 hộp), song giá trúng thầu tại gói thầu là 168.000 đồng/hộp (tương đương 1,68 triệu đồng/thùng).
Bên cạnh đó, sản phẩm gạo "Hoa nắng vàng" cũng do Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả trúng thầu, cung cấp cho công ty này có mức giá lên đến 64.500 đồng/kg.
Tương tự, sản phẩm thịt bò ngoại được Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả nhập vào có giá từ 230.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/kg, tuy nhiên khi đến tay các công nhân Công ty CP than Vàng Danh - Vinacomin lại chênh lên 970.000 đồng/kg.
Đối với thùng bia Luxus có giá nhập trên hóa đơn thể hiện chỉ từ 335.000 đồng đến 387.000 đồng, nhưng lại được Công ty CP than Vàng Danh duyệt mức hơn 500.000 đồng.
Lý giải về việc này, bà Phạm Thị Cúc - giám đốc Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả - cho rằng giá nhập ghi trên hóa đơn không đúng với số tiền thực tế công ty bỏ ra để mua.
Bà Cúc phân trần giống như mua bán nhà, giá trị mua bán thực tế có khi lên đến hàng tỉ đồng nhưng trong giấy tờ lại chỉ ghi vài trăm triệu đồng nhằm giảm bớt "tiền thuế".
Bên cạnh đó, bà Cúc cho biết một số sản phẩm sau khi nhập về công ty phải sơ chế, nhằm lựa chọn những phần tốt nhất trước khi giao đến tay công nhân.
Lãnh đạo Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả lý giải việc chênh lệch là do hóa đơn đầu vào thấp để "giảm tiền thuế" và nhiều sản phẩm khi nhập về công ty phải sơ chế lại nên giá thành bán ra cao hơn - Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều công ty tham gia đấu thầu các gói mua sắm quà tặng đều có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với bà Phạm Thị Cúc. Các công ty này thường xuyên tham gia đấu thầu mua sắm hàng hóa làm quà tặng cho công nhân than tại Quảng Ninh và "luân phiên" nhau trúng các gói thầu.
Đặc biệt, một số sản phẩm quà tặng như: bia ngoại, bánh kẹo, gạo "Hoa nắng vàng",... được các công ty này lòng vòng mua bán qua lại cho nhau trước khi đến tay công nhân.
Nói về việc này, bà Cúc cho biết các con và người thân tự thành lập công ty để làm ăn, không liên quan gì đến mình.
Định giá sản phẩm dựa vào khảo sát trên mạng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về cơ sở để định giá các mặt hàng quà tặng cho cán bộ công nhân viên của công ty, ông Vũ Đình Tỵ - trưởng phòng kế hoạch Công ty CP than Vàng Danh - cho biết để ước lượng giá thành sản phẩm thì đơn vị này đã lên mạng tìm hiểu thông tin.
Theo ông Tỵ, công ty lên mạng kiểm tra các siêu thị, nhà hàng, đại lý lớn về mức giá cụ thể của sản phẩm, để từ đó ước tính tổng giá trị trước khi mời thầu.
Về việc tổ chức đấu thầu, công ty thực hiện công khai trên mạng, các doanh nghiệp đủ điều kiện đều có thể tham gia.
Trao đổi thêm về việc vì sao mức giá một số sản phẩm công ty phê duyệt lại cao hơn nhiều lần so với giá mà đơn vị trúng thầu nhập về, ông Tỵ cho rằng chuyện này là "vô cùng" và lấy ví dụ cùng là gạo tám nhưng ở Thái Bình lại rẻ hơn Nam Định.
"Việc tổ chức đấu thầu và định giá như thế nào chúng tôi đều làm đúng theo quy định của luật, đã triển khai nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới làm" - ông Tỵ nhấn mạnh thêm.
Liên quan việc các sản phẩm quà tặng trong gói thầu được lựa chọn thường ít tên tuổi, thương hiệu lạ gây khó khăn cho việc so sánh giá thành, ông Tỵ cho biết mong muốn của công ty là tặng công nhân những sản phẩm không chỉ chất lượng mà phải "độc lạ".
Trước đó vào đầu năm 2024, công nhân tại Công ty CP than Vàng Danh - Vinacomin đã phát hiện một sản phẩm trong gói thầu có tổng giá trị hơn 23 tỉ đồng, thuộc liên danh do Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả đứng đầu có dấu hiệu bị hết đát, dập xóa và ghi đè ngày sản xuất lẫn hạn sử dụng.
Sản phẩm bia Luxus được đơn vị trúng thầu nhập vào theo hóa đơn chỉ hơn 300.000 đồng/thùng, nhưng đến tay công nhân Công ty CP than Vàng Danh lại thành hơn 500.000 đồng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Trao đổi thêm về việc vì sao không đưa trực tiếp tiền mặt để công nhân có thể tự mua sắm theo nguyện vọng cá nhân, một lãnh đạo Công ty CP than Vàng Danh cho rằng công nhân đã có tiền thưởng, quà tặng là phần thưởng vật chất nằm trong chi phí sản xuất được phê duyệt.
Theo thông tin công bố công khai từ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), chỉ riêng Công ty CP than Vàng Danh từ năm 2023 đến nay đã dành hơn 86 tỉ đồng mua hàng hóa làm quà tặng cán bộ công nhân viên.
Một cán bộ công ty than mới nghỉ hưu cho biết khoản tiền mua sắm được trích từ chi phí sản xuất này nếu được sử dụng hợp lý, có thể giúp tiết kiệm và giảm phần nào giá thành than - vốn là nguồn nhiên liệu chủ lực cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong nước hiện nay, hoặc không cũng cần xem xét để công nhân được nhận thưởng bằng hiện vật xứng đáng với số tiền trong các gói thầu.