Ngành lao động-thương binh và xã hội có 17 thủ tục hành chính ở 5 lĩnh vực đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 727/QĐ-BLĐTBXH công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của cơ quan này đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Theo đó, danh mục này có 17 thủ tục hành chính ở 5 lĩnh vực.
Cụ thể, lĩnh vực an toàn lao động có 2 thủ tục hành chính (1 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp trung ương, 1 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp tỉnh).
Lĩnh vực bảo trợ xã hội có 2 thủ tục hành chính (1 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện, 1 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã).
Lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước có 4 thủ tục hành chính và lĩnh vực việc làm có 2 thủ tục hành chính đều thực hiện ở cấp trung ương.
Lĩnh vực trẻ em có 7 thủ tục hành chính (3 thủ tục hành chính thực hiện cả ở tỉnh, huyện, xã; 4 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã).
Trước đó, trong năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và thực hiện đơn giản hóa đối với 11 thủ tục hành chính.
Tới tháng 12 năm 2023, trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của đơn vị này đang cung cấp 57 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 38 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 19 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Cũng tới thời điểm trên, đã có hơn 213.000 hồ sơ được xử lý trực tuyến và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên các dịch vụ công luôn đạt hơn 50% số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. 18 dịch vụ công trực tuyến của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và 2 dịch vụ công trực tuyến của Bộ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng phí đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng người có công.
Trong năm 2024, một trong những mục tiêu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đáp ứng yêu cầu quản lý của Bộ.
Cùng với đó, xây dựng các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; duy trì thực hiện tốt Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ.