Đại biểu Quốc hội đưa thông tin cho rằng Việt Nam chưa có Quốc hoa vì không cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt.
Đề xuất miễn các loại thuế, phí cho các di vật, cổ vật được hồi hương
Sáng 26.6. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đại biểu Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên) cho biết, quy định đăng ký di vật, cổ vật tại Điều 39 dự thảo Luật về Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) nơi thường trú là hết sức cần thiết.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định mối liên hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với lợi ích, quyền lợi của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật, cổ vật được đăng ký. Có như vậy việc khuyến khích đăng ký mới có hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có chiến lược hồi hương cổ vật, đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, dự thảo Luật cần tính đến việc quy định miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được hồi hương về nước không vì mục đích trao đổi, mua bán, kinh doanh kiếm lời.
"Có như vậy mới thực sự thu hút nguồn lực cho hồi hương cổ vật về nước", đại biểu nói.
Việt Nam chưa có Quốc hoa
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho biết, dự thảo luật có quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đã được đưa vào danh sách của UNESCO.
Theo đại biểu, nước ta đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: Múa rối nước, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Hát xoan... Do đó, đề nghị luật có quy định cụ thể việc ưu tiên bố trí ngân sách để làm căn cứ tạo điều kiện cho hoạt động của các loại hình nghệ thuật này.
"Chúng ta có hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện. Nhà nước có thể đặt hàng để các đoàn luân phiên biểu diễn hàng năm trên 700 điểm ở các đơn vị hành chính cấp huyện. Ở đó mỗi loại hình phù hợp với mỗi vùng miền", đại biểu nói và cho biết quy định này sẽ duy trì hoạt động của các đoàn, tạo thêm nguồn thu, bảo vệ phát huy di sản và đưa di sản đến gần hơn với người dân.
Theo đại biểu, từ năm 2011, Bộ VHTTDL đã tổ chức bầu chọn Quốc hoa và tỉ lệ chọn Hoa sen giữ vị trí đầu bảng.
Người dân và các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ xây dựng đề án đang mong chờ lễ công bố Quốc hoa lại có ý kiến không cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt Quốc hoa như Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời tại phiên chất vấn.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị trong di sản áo dài, chúng ta muốn tôn vinh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy nhiên hiện tại nước ta chưa công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đại biểu đề nghị Bộ VHTTDL có quy định trong luật này để nêu rõ cơ quan nào có thẩm quyền được duyệt di sản áo dài là di sản văn hóa quốc gia trước khi trình xin là di sản văn hóa thế giới.
Theo đại biểu, điều này sẽ tránh tình trạng các chuyên gia tranh luận là chọn áo ngũ thân hay áo tứ thân, truyền thống hay cách tân mà không giải quyết được.